Phong tục cưới hỏi của người Vân Kiều

(VOV5) - Việc tổ chức lễ cưới của người Vân Kiều ở Quảng Trị không chỉ là một việc hệ trọng đối với gia đình, dòng họ mà còn là của cả bản làng. Người Vân Kiều có câu: “Con trai lớn đủ tuổi phải lấy vợ, con gái đủ tuổi khôn gả chồng” nên sau một thời gian tìm hiểu, đôi trai gái phải lòng nhau thì cùng báo với hai gia đình để chuẩn bị lễ cưới. Ngày nay, trong đám cưới của người Vân Kiều vẫn giữ nhiều nghi lễ truyền thống gắn liền với tập quán sinh hoạt của đồng bào.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Ngày nay cuộc sống của người Vân Kiều ở Quảng Trị đã thay đổi nhiều từ cách ăn mặc cho đến các tập tục sinh hoạt, thế nhưng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều vẫn được bảo lưu. Trong ngày cưới chính người Vân Kiều vẫn giữ tục lệ trao kiếm của chú rể cho cô dâu. Theo phong tục của người Vân Kiều thì trong ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị lễ vật xin dâu là một chiếc nồi đồng, đồng bạc trắng và 1 thanh kiếm. Thanh kiếm chính là lễ vật quan trọng nhất, được dùng để tiến hành tục lệ trao kiếm và chỉ khi thủ tục này hoàn tất thì cô dâu mới được rời khỏi nhà mình về nhà chồng. Tục lễ trao kiếm trong lễ cưới có ý nghĩa quan trọng với người Vân Kiều. Thanh kiếm biểu hiện cho sự gắn bó khăng khít giữa vợ và chồng vì người Vân Kiều quan niệm chuôi kiếm và lưỡi kiếm là hai bộ phận không thể rời nhau, chính vì vậy mà đôi vợ chồng cũng không thể thiếu nhau. Thanh kiếm còn tượng trưng cho sức mạnh của chàng trai, chính vì vậy trong một gia đình Vân Kiều sinh được bao nhiêu con trai thì sẽ chuẩn bị bấy nhiêu thanh kiếm. 

Phong tục cưới hỏi của người Vân Kiều - ảnh 1



 Người Vân Kiều thường chọn buổi chiều để đón dâu. Theo quan niệm của người Vân Kiều, đây là thời khắc các vị thần linh như Thần sông, Thần suối... về với dân bản. Họ nhà trai đến đón dâu sẽ ở lại vui cùng nhà gái suốt đêm. Việc bố trí khách mời của họ nhà gái đều do người có uy tín trong bản đứng ra đảm nhiệm. Về đến nhà chồng, cô dâu phải bước vào cửa chính. Ngay giữa cầu thang, người Vân Kiều đặt sẵn một phiến đá. Ông Hồ Văn Tăng ở bản Khe Tăng, cho biết: Khi tổ chức lễ đón, trước hết bên nhà chồng con dâu phải đi qua một hòn đá và đạp lên hòn đá thì mới lên nhà. Hai vợ chồng đều đạp lên hòn đá đó. Hòn đá để giữa cửa.để sống lâu, tình cảm của hai vợ chồng bền như đá. Hòn đá tưởng trưng cho lâu dài, sống lâu, hạnh pghcus vui vẻ. cúng thông báo với tổ tiên là có người mới về, có con dâu về.

Khi cô dâu chuẩn bị bước vào nhà, mẹ chồng cầm gáo nước dội nhẹ vào bàn chân của cô với mong muốn xóa đi những khó khăn vất vả và cầu cho vợ chồng hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Gia đình nhà trai chuẩn bị lễ vật đầy đủ như thịt, rượu, hoa quả dâng lên tổ tiên thông báo nhà có thêm một thành viên mới. Ông Hồ Văn Tăng cho biết thêm: Khi vào nhà rồi mới cúng, lễ cúng gồm có gà hoặc thịt heo. Người chủ cúng để thông báo cho tổ tiên là có người mới về nhà mình. Theo như người Kinh thì người Vân Kiều cũng có ban thờ để thờ tổ tiên. Trong lễ vật cúng còn có một cái chân váy của con gái và cái khố của người con trai. Điều này thể hiện là để báo cáo có sự hiện diện của người mới trong nhà.


Phong tục cưới hỏi của người Vân Kiều - ảnh 2
Bà con trong bản đến chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ (Ảnh minh họa). Ảnh: dantri.com.vn



 Đến dự đám cưới, khách thường tặng những chiếc bánh giầy và vải váy xấn để chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc, bền lâu. Ngoài những lời chúc tốt đẹp dành cho cô dâu chú rể, họ tập trung hát chúc mừng cho gia đình. Điệu hát trong đám cưới của người Vân Kiều là làn điệu Oát xà nớt đi kèm với tiếng sáo khui. Ông Tăng cho biết  trong ngày trọng đại này, mẹ chồng dành thời gian để dặn dò đôi vợ chồng trẻ cách ứng xử trước cuộc sống gia đình mới: Nếu trong nhà còn mẹ thì trong lúc cúng xong rồi thì mẹ nhắc nhở hai vợ chồng mới về cách làm ăn, cách cư xử, gặp người lớn, người nhỏ phải ứng xử như thế nào. Cách bưng cơm ra cho khách, cách tiếp khách. Mẹ dạy cho hai vợ chồng những điều đó.

Người Vân Kiều thường chọn các ngày chẵn như 6, 8, 10, 16, 18 trong các tháng đầu năm và cuối năm để làm lễ cưới. Sau lễ cưới, người Vân Kiều còn bắt buộc phải tổ chức cưới lần hai, gọi là lễ khơi hay lễ hoàn tất. Khi chưa thực hiện lễ khơi, đôi vợ chồng khi sang nhà vợ không được bước lên nhà. Những ràng buộc khắt khe đó, khiến các cặp vợ chồng dù khó khăn cũng cố dành dụm để thực hiện bằng được lễ khơi. Phong tục cưới lần 2 cũng giống lần đầu nhưng lễ vật giá trị hơn. Người Vân Kiều coi đây là cách để họ thêm gắn bó, yêu thương nhau hơn, sống hạnh phúc và gắn bó bên nhau trọn đời./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác