"Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm" - Những cuốn sách theo suốt đời người

(VOV5)- Thực tế, những tác phẩm Văn học Nga đã ảnh hưởng như thế nào đến lớp lớp độc giả thiếu nhi Việt Nam, ảnh hưởng ra sao đến các thế hệ nhà văn nói chung và nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam nói riêng...


Đã từng có nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ ra sao nếu thiếu đi các tác phẩm văn học đến từ xứ sở Bạch Dương, với những ảnh hưởng của nó lên nhiều lớp nhà văn và độc giả Việt Nam suốt một chặng đường dài của thế kỷ 20. Thực tế, những tác phẩm Văn học Nga đã ảnh hưởng như thế nào đến lớp lớp độc giả thiếu nhi Việt Nam, ảnh hưởng ra sao đến các thế hệ nhà văn nói chung và nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam nói riêng? Sự tiếp nhận văn học thiếu nhi Nga ở Việt Nam thay đổi theo thời gian như thế nào? Liệu các tác phẩm văn học Nga chọn lọc từng đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam trước đây có còn thu hút độc giả hiện nay? Phi Hà ghi lại những nội dung đáng chú ý này từ cuộc tọa đàm “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm – Sức sống của tác phẩm văn học thiếu nhi đến từ xứ sở Bạch Dương” do NXB Kim Đồng tổ chức.

Bộ sách văn học thanh thiếu nhi Nga do NXB Kim Đồng tái bản


"Kho vàng" trong quên lãng
"Văn học Nga, hay theo cách gọi trước đây là Văn học Nga - Xô Viết, chỉ cần nhắc lại cụm từ này thôi là bao kí ức lại dội về với các thế hệ độc giả người Việt. Không biết đã có ai đặt câu hỏi, văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ ra sao nếu thiếu đi các tác phẩm văn học đến từ xứ sở Bạch Dương, với những ảnh hưởng của nó lên nhiều lớp nhà văn và độc giả Việt Nam". Nói như nhà giáo, dịch giả Vũ Thế Khôi: “Nước Nga thời xô viết có một nền văn học thiếu nhi đồ sộ vào bậc nhất với nhiều tác gia và tác phẩm đã được liệt vào danh sách “kho vàng” của văn học thế giới dành cho thế hệ trẻ. Không biết bao nhiêu thế hệ các cậu bé cô bé đã lớn lên thành người với những cuốn sách gối đầu giường dạy cho họ biết sống ngay thẳng.”


Những tác phẩm bất hủ của văn học Nga – Xô Viết có thể kể đến như “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” của Nicolay Nosov; “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kì của Buratino” của Alexandre Tonxtoi, “Bác sĩ Aibôlít” của Chukovsky… đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là, văn học Nga nói chung, văn học thiếu nhi Nga xô viết nói riêng, trong khoảng 20 năm trở lại đây đã ít được bạn đọc biết tới so với văn học Anh ngữ. Như dịch giả, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập nói thì có một thực trạng: “ Gần đây văn học Nga bị lép vế so với các văn học khác, đặc biệt là văn học Anh ngữ. Thế nhưng không phải vì nó không có chất lượng, mà vì rất nhiều yếu tố khác. Bây giờ cuốn Harry Potter chẳng hạn, bán hàng mấy chục triệu bản, tác giả của nó trở thành tỷ phú đô la. Nhưng chúng tôi rất nhiều lần hỏi, nếu các bạn để nguyên tất cả truyện đó, chỉ đổi đúng tên nhân vật thôi, không phải là cuốn Harry Potter nữa mà là cuốn Ivan Ivannovich thì hỏi là bán được bao nhiêu cuốn. Và cũng cuốn ấy đổi thành Nguyễn Văn Hùng chẳng hạn, thì tôi nghĩ chưa chắc đã bán được 1000 cuốn. Tại sao như thế? Tại vì chúng ta được truyền thông định dạng rồi. Cái gì đến từ thế giới tiếng Anh thì có giá trị hơn là tiếng Hungary hay tiếng Nga chẳng hạn.”


Sự thay đổi của thời thế, mà truyền thông đại chúng phần nhiều vốn xu thời, là một trong những yếu tố khiến nhiều bạn đọc hôm nay không còn biết tới những cuốn sách đã ảnh hưởng tới nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Bởi thế, lượng xuất bản ít ỏi, cầm chừng dòng văn học này chỉ dành cho những nhà xuất bản thực sự dũng cảm. Một thực tế mà tiến sĩ, dịch giả Thụy Anh cho biết: “Theo thống kê tôi đọc được của thạc sĩ Đỗ Thị Hường trong tạp chí Nghiên cứu Châu Âu tháng 10/2012 thì có 1 số thông tin rất thú vị. Thống kê này cũng có thể là chưa hoàn toàn đầy đủ vì chỉ thống kê từ thông tin của Thư viện quốc gia. Từ năm 2000 đến 2011 chúng ta 396 tác phẩn văn học Nga được xuất bản, trong đó có 122 tác phẩm thiếu nhi, nhưng trong 122 tác phẩm đó thì có đến quá nửa là tác phẩm tái bản.”


Khơi dậy những giá trị của muôn đời
Nhà giáo ưu tú, dịch giả Vũ Thế Khôi, người từng chuyển ngữ Truyện Kiều ra tiếng Nga, đồng thời cũng là dịch giả của nhiều đầu sách văn học thiếu nhi Nga – xô viết nổi tiếng,  khẳng định không thể phủ nhận giá trị đặc biệt của những cuốn sách hay tới tâm hồn người đọc. Ông kể lại những câu chuyện thú vị, khi một số cuốn sách ông đã từng dịch từ rất xa xưa cho lứa tuổi thanh thiếu niên (nhưng giờ chưa được tái bản vì luật bản quyền như cuốn Đội săn của quốc vương Stakh và Thùy dương nguyên thủy) đã được người đọc tìm hỏi nhau rất nhiều thông qua các trang mạng, và một số nhà xuất bản tư nhân đã bất chấp luật bản quyền để in lại những cuốn sách này bán cho người đọc trên mạng. Như vậy, không phải là không có thị trường, không có người đọc, nhưng điều quan trọng là những nhà xuất bản cần tìm chọn đúng cũng như quảng bá cho người đọc hôm nay biết tới giá trị đích thực của những tác phẩm đó: “ Nói chung những cuốn sách tôi dịch đều xuất phát từ những vấn đề của gia đình. Tôi nói ví dụ khi các con học lớp 4, lớp 5 thì bắt đầu nảy sinh những xung đột với cô giáo. Khi nó nhỏ thì nó quý cô giáo lắm, nhưng đến lớp 4 lớp 5 thì bắt đầu có những xung đột. Thế thì tôi phải dịch cái cuốn Xin cô tha lỗi cho chúng em của Bondarev.”

Tọa đàm sách văn học Nga - xô viết do NXB Kim Đồng tổ chức tại TPHCM - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân


NXB Kim Đồng nhân dịp tái bản các tác phẩm nổi tiếng của văn học thiếu nhi Nga – xô viết một thuở, đã tổ chức hai cuộc tọa đàm ở TP HCM và Hà Nội. Tham dự cả hai cuộc tọa đàm này, nhà văn Trần Quốc Toàn kể lại, ngoài sự tiếp dưỡng khí quyển văn chương của nền văn học Nga xô viết nói chung đối với nhiều bạn đọc Việt Nam, thì với riêng ông, cũng nhờ cảm hứng từ một nhân vật trong truyện Nga mà ông sáng tác được 1 truyện ngắn được giải nhất trong cuộc thi do Hội nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ và Trung ương đoàn tổ chức – truyện “Gặp lại con dế ấy”. Đó chính là con dế trong khe lò sưởi của người nhạc sĩ “Bài ca nàng Sonvay” mà truyện ngắn của Pautopxki đã viết. Sự tiếp nối, học hỏi của những nhà văn như ông, theo Nguyễn Quốc Toàn, bởi nền văn học Nga không chỉ nói về vẻ đẹp của mình, mà còn nói về vẻ đẹp của nhân loại. Đặc biệt, theo ông thì: “Trong hội thảo phía Nam, phần lớn các ý kiến nêu ra thì ca ngợi, tri ân sự ảnh hưởng của văn học Nga tạo ra 1 mảng văn học màu hồng, mà nói như hình tượng của anh Bằng Việt là mảng văn học tạo ra “những đám mây ngũ sắc ở trong đầu”. Nhưng tôi bảo không phải. Ở ngay cả cách viết muốn nhìn về mặt sau của hiện thực, thì văn học Nga cũng có những ảnh hưởng tới chúng tôi rồi. Ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, chính anh đã nói lên về những chuyện nào anh bị ảnh hưởng của văn học Nga. Và tôi nghĩ lối viết của anh cũng bị ảnh hưởng từ cái truyện không phải mới lắm nhưng cũng rất hiện đại của Nga, đó là truyện Hãy sống mà nhớ lấy.”

Tọa đàm sách vănhọc Nga - xô viết do NXB Kim Đồng tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: sputnik.com



Bởi vậy, việc lần này Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt ấn phẩm mới bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc, gồm các tựa sách từng gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thanh thiếu niên và bạn đọc đọc trẻ Việt Nam; cùng hai cuộc hội thảo và ra mắt sách, có một ý nghĩa lớn, như dịch giả Thúy Toàn cho rằng: “  Một việc làm hết sức ý nghĩa là khơi dậy sự quan tâm đặc biệt đối với nền văn học mà có những giá trị lớn về nhân vật, như là văn học Nga."


Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh khẳng định, cũng như nhiều dịch giả văn học Nga khác, bà sẵn lòng cùng các nhà xuất bản tìm kiếm những tác phẩm văn học thiếu nhi hay để giới thiệu cho bạn đọc trẻ em, với lòng mong mỏi khơi dậy, nuôi dưỡng tình yêu của trẻ em với văn học hóa đọc.


Xin được nhắc lại lời của dịch giả Vũ Thế Khôi: “Có những bài ca đi cùng năm tháng, nhưng cũng có những cuốn sách đi suốt đời người. Văn học thiếu nhi Nga – xô viết có nhiều cuốn sách như thế, có những cuốn sách có thể nói là hợp với muôn đời, được yêu thích ở mọi thế hệ, chừng nào loài người còn tồn tại, như Bác sĩ Aibolit hay Cánh buồm đỏ thắm..."

Phản hồi

Các tin/bài khác