Những người trẻ “thắp một que diêm…”

(VOV5)- Họ là các bạn trẻ Việt kiều thuộc các nhóm đàn tranh hải ngoại về nước tham dự Hội ngộ đàn tranh 2014: Tranhsemble (San Francisco Bay Area, California, USA), Hướng Việt (Seattle, Washington State, USA), Phượng ca (Pháp), Ban Tứ tuyệt Duyệt Thị Trang.

Quan sát hoạt động của chương trình Hội ngộ đàn tranh, người ta chợt nhận ra: khi giới trẻ trong nước phần nào “nhạt” đi với âm nhạc truyền thống, nhiều bạn trẻ Việt định cư hay được sinh ở nước ngoài lại ngày càng muốn đi sâu tìm hiểu, học hỏi loại hình nghệ thuật này.

Thực tiễn đó thoạt tiên có vẻ “tréo ngoe” song lại “có cái lý riêng” của nó. Có lẽ, điều này được phần nào lý giải trong tâm sự của chị Vân-Ánh Vanessa Võ (Giải nhất đàn tranh Quốc gia 1994, Giải Emmy Award 2009): Nếu không giữ được bản sắc Việt, mình chỉ là con số “0” khi đi ra thế giới.

Đàn tranh nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung là một phần văn hóa gốc để cộng đồng người Việt nuôi dưỡng tâm hồn và khẳng định bản sắc dân tộc, để “hòa nhập mà không hòa tan” như cách chúng ta vẫn nói. Chị Ánh ví von, sự “không thể thiếu” ấy cũng giống như nước mắm trong bữa cơm của người Việt dù ở bất cứ phương trời nào.

Nhìn những bạn trẻ là thành viên các nhóm – câu lạc bộ đàn tranh, có bạn nói được tiếng Việt, có người không, dõi theo ngón đàn lúc khoan, lúc nhặt của GS. Hoàng Cơ Thụy và NSƯT Hải Phượng, mới thấy âm nhạc là nghệ thuật không cần phiên dịch. Nó thực sự là nghệ thuật phát xuất từ trái tim để đến với những trái tim.

Những người trẻ “thắp một que diêm…” - ảnh 1
Nghệ sĩ đàn tranh Vincent Hiếu 19 tuổi đến từ Pháp đang hòa tấu cùng các nam nghệ sĩ đàn tranh của CLB Tiếng hát Quê hương bài Xàng xê tại buổi tập sáng 29-6 ở Cung Văn hóa Lao động TP HCM - Ảnh: Thanh Hiệp/nld.com.vn

Để đến với Hội ngộ đàn tranh, thành viên các nhóm – câu lạc bộ nước ngoài đều tự trang trải chi phí đi lại, lưu trú. Có những nhóm có thâm niên hoạt động hơn chục năm như nhóm Hướng Việt của bác sĩ Hồ Việt Hải và chị Thúy Loan.

Sự khởi đầu cách nay hơn mười năm của nhóm đàn tranh Hướng Việt chỉ gồm vài ba người. Vì đam mê đàn tranh, ngay khi còn là sinh viên y khoa, anh Hồ Việt Hải đã đứng ra lập nhóm. Vừa gây dựng nhóm, vừa chủ động tích cực liên hệ với các bậc thầy đàn tranh trong nước như Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, thạc sỹ Nguyễn Hải Phượng, GS. Trần Văn Khê,…, anh Hải đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm cũng như bài bản để truyền dạy lại các bạn trong nhóm.

Trong một “cơ duyên” bất ngờ, cộng với tình yêu sẵn có với đàn tranh, chị Thúy Loan đã chung tay với anh “giữ lửa” cho nhóm hơn mười năm qua.

Sau những giờ làm việc mưu sinh (anh Hải làm bác sĩ, chị Loan làm nhân viên cho hãng máy bay Boeing), họ lại dành thời gian nghỉ ngơi của riêng mình mở lớp dạy đàn tranh cho các bạn trẻ. Với chút học phí tượng trưng để cả học trò và phụ huynh “yên tâm theo học”, mỗi tuần, thầy trò lại họp mặt một buổi tìm về giai điệu quê hương.

Nhóm Hướng Việt hiện là nhóm thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các vùng giáp ranh giữa Mỹ và Canada, mỗi năm khoảng hơn 10 sự kiện.

Từ những chuyến lưu diễn (rất nhiều khi miễn phí) đó, nhóm lại làm lan tỏa tình yêu đàn tranh tới người xem. Etsuko Hương (một Việt kiều ở Nhật) là bạn trẻ đã biết tới và sau đó gia nhập Hướng Việt cũng từ một trong những lần xem nhóm biểu diễn.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, học đàn tranh từ năm lên 4, chị Võ Vân Ánh hiện đang sống và giảng dạy đàn tranh cũng như các nhạc cụ dân tộc khác của Việt Nam tại Fremont, California. Chia sẻ về công việc của mình tại Mỹ, chị Ánh chỉ ra những khác biệt lớn trong cách giáo dục giữa “ta” và “tây”. Chọn cách hướng dẫn đều đặn, tiệm tiến, cô giáo – nghệ sỹ đàn tranh Vân Ánh đã từng bước dẫn dắt học trò qua các chặng học hỏi không chút căng thẳng. Cô Ánh chia sẻ kỷ niệm vui về buổi diễn lần đầu tiên. Các học trò của cô mặc áo dài, đóng khăn xếp nhưng lại đi giày bata thể hiện bài Trống cơm bằng đàn tranh. Bài bản nhỏ, ăn mặc chưa đúng “chuẩn”, nhưng đã được người xem nhiệt liệt tán thưởng, từ đó bọn trẻ thấy phấn khởi, muốn học tiếp.

“Vừa dạy vừa dỗ” đã trở thành phương châm của những người thầy dạy đàn tranh. Sự ví von của cô Vân Ánh khiến người nghe phải suy ngẫm: Trong thời đại công nghệ thông tin, khi chỉ mất 10 giây mà không tìm ra thông tin cần thiết, người ta đã có thể nổi cáu. Trong khi đó, để hiểu và học âm nhạc dân tộc và đàn tranh nói riêng, thời gian dành cho việc đó còn gấp trăm ngàn vạn lần. Vậy thì không thể nóng vội, sốt ruột trong việc này. Nhưng cũng không thể chỉ ngồi lo lắng, chê trách mà không làm gì.

“Chúng tôi mong có được những giáo trình dạy nhạc dân tộc và đàn tranh thật cơ bản, giản dị và không tạo áp lực với người học giống như các giáo trình dạy nhạc đã có của phương Tây”, đó là chia sẻ của nghệ sỹ - giảng viên đàn tranh Vân Ánh.

Hiện tại, ngoài dạy đàn tranh, chị Vân Ánh còn tìm cơ hội và tạo điều kiện để các học trò được tham dự những cuộc thi âm nhạc dân tộc, giành những suất học bổng tài trợ trong lĩnh vực nghệ thuật này.  

Giống như người nông dân cần mẫn gieo hạt mầm tốt cho các mùa vàng tương lai, những người trẻ ở hải ngoại như cô Loan, cô Ánh, thầy Hải… đang góp sức cùng các thầy cô tâm huyết trong nước như Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan, nghệ sỹ Hải Phượng, cô Xuân Yên, thầy Cơ Thụy… vào công cuộc bảo tồn và phát triển nền âm nhạc dân tộc.

Trở lại với một câu nói không còn xa lạ: đi đến tận cùng của dân tộc, người ta gặp nhân loại. Muốn không phải là số “0” tròn trĩnh khi hội nhập quốc tế, người ta phải chăm chút một cách tự hào bản sắc dân tộc. Mà sự thực, câu chuyện bản sắc này đâu chỉ đúng với âm nhạc truyền thống./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác