Sống lại thú chơi tranh Tết của người Việt Nam

(VOV5) - Trước đây, cứ vào dịp Tết, có một thứ không thể thiếu trong các gia đình Việt Nam đó là tranh Tết. Tranh trưng bày ngày Tết hướng về truyền thống, nguồn cội. Ngoài nét vẽ, mỗi bức tranh Tết cũng không thể khuyết những câu chúc mang nội dung chúc mừng năm mới hay các câu đối mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới... Thời gian qua đi, thú chơi tranh Tết cũng ít nhiều bị mai một. Tuy nhiên, ngày nay khi cuộc sống nâng cao, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật được nâng lên thì thú chơi tranh ngày Tết đã dần trở lại.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Xưa kia, đi chợ sắm Tết, người Việt Nam không quên mua một bức tranh dân gian về treo. Những bức tranh thường vẽ cảnh sinh hoạt gia đình ấm cúng, mọi vật sinh sôi nảy nở, tươi vui, hóm hỉnh... thể hiện niềm hi vọng về một năm mới sung túc, an lành. Thế nhưng, theo thời gian, những dòng tranh dân gian cũng dần ít dần đi. Họa sĩ Nguyễn Hồng Vân nhớ về thuở nhỏ thường được cha mình là họa sĩ Nguyễn Bích đưa lên phố Hàng Lược, phố Mã Mây, Hà Nội, xem tranh Tết. Những con giáp ngộ nghĩnh, đáng yêu, những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống như một món quà chung cho cả gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về: "Tôi nhớ khi được bố dắt đi chơi chợ tranh Tết thì rất đông. Từ ngày đó đã có các cụ đồ, cụ nhỏ ngồi viết chữ, tranh khắc gỗ, tranh Đông Hồ để treo khắp vỉa hè, nhất là trên phố Hàng Lược.

Sống lại thú chơi tranh Tết của người Việt Nam - ảnh 1
Tranh tại Tết Art - Ảnh: Báo Thanh Niên



Như một cách làm sống lại thói quen chơi tranh Tết, hai năm trở lại đây, nhiều họa sĩ đã mở chợ tranh Tết bằng việc bày bán hàng trăm tác phẩm hội họa. Bắt đầu từ việc chọn lọc tác phẩm, kêu gọi họa sĩ khắp mọi miền đất nước tham gia cho đến cách bố trí, trưng bày, không gian chợ tranh Tết trước hết là nơi để người yêu hội họa thưởng thức tranh, sau đó mới là nơi mua bán. Họa sĩ Trần Thị Thu, một trong số hơn 200 họa sĩ có tác phẩm được trưng bày, giới thiệu tại đây chia sẻ: "Ấm cúng lắm và nó đầm ấm, vui, có cả những cái cổ truyền, mặc dù không phải là áo dài tứ thân hay thế này thế kia. Và tôi cảm nhận được điều đó. Tôi tin rằng nó sẽ mang đến cho hội họa Việt Nam một sân chơi mới."


Có thể không ít người sẽ nghĩ về chợ tranh Tết như Tết Art và Tết Dome vừa diễn ra ở Hà Nội là một hướng đi mới, để các họa sĩ  gần hơn với công chúng. Họ đang làm sống dậy một thói quen từ xưa của người Việt: mua tranh Tết. Chỉ có điều, tranh Tết bây giờ có phần phong phú hơn xưa. Đó không chỉ dừng lại ở những dòng tranh dân gian mà còn là những tác phẩm hội họa, mang đậm dấu ấn cá nhân. Những phiên chợ tranh Tết đương đại cũng làm thay đổi suy nghĩ của mọi người, rằng thú chơi tranh đâu chỉ dành cho người nhiều tiền. Theo ông Trần Huy Oánh, một người chơi tranh ở Hà Nội, thì chợ tranh Tết đương đại không chỉ gợi lại kí ức xưa với những thói quen, phong tục đẹp của cha ông mà còn làm cho giá trị nghệ thuật được nhân lên gấp bội, bởi đã tạo ra một không gian văn hóa hiện đại, để công chúng được thưởng thức tác phẩm mới, với phong cách mới: "Tôi nghĩ đây là một sản phẩm thứ thiệt, làm cho người xem thỏa mãn được. Thỏa mãn được ở chỗ giống như là vào một cửa hàng có nhiều món ăn ngon, món nào cũng ngon mà món nào cũng khác nhau. Cho nên ai muốn thưởng thức thì đều thoải mái. Còn nếu muốn thưởng thức riêng thì đương nhiên phải bù đắp cho nghệ sĩ phần nào sự sáng tạo đó, còn nếu không chúng ta vẫn được thưởng thức cơ mà."


Theo họa sĩ Thành Chương, bây giờ mỗi chúng ta nên giữ lại những giá trị tinh thần cốt lõi của thói quen mua sắm Tết. Tết không chỉ là dịp mua sắm hàng hóa, đồ dùng mà  phải làm sống lại những giá trị tinh thần văn hóa, trong đó có các tác phẩm hội họa: "Tôi luôn nghĩ rằng tất cả giá trị truyền thống văn hóa mình giữ được tinh thần cốt lõi chứ không phải giữ được hình thức hoạt động của nó. Đâu còn cảnh như chợ quê để mua mấy bức tranh giấy, in tranh Đông Hồ, tranh làng Sình... Cái đó quá xa xưa. Bây giờ mình phải nhận thức một cách hiện đại, tân tiến hơn. Giữ lại nó là giữ lại tinh thần."


Chơi tranh Tết dù là tranh dân gian hay tranh hiện đại đều thể hiện sự ngưỡng vọng của con người trước cái đẹp cùng những ước vọng cho năm mới. Trong xã hội hiện đại, các nghệ sĩ Việt Nam vẫn hướng tác phẩm của mình với ý nghĩa làm sống lại lĩnh vực tranh Tết. Đây cũng chính là một cách dựa vào truyền thống để đến với những mục tiêu xa hơn, lâu bền hơn cho nghệ thuật tranh Tết cổ truyền Việt Na
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác