Xấu người như thị Nở; tình người như thị Nở

(VOV5)- Văn học Việt, hay nói như trước đây, văn học cách mạng, xem xét mấy chục năm nay chưa thấy có nhân vật nào đạt tới điển hình được như anh Chí Phèo với chị thị Nở của cụ Nam Cao.

Trở lại chuyện anh Chí,chị Nở; "anh chị" điển hình tới mức không chỉ lừ lừ đi vào đời sống nhân quần xã hội hơn nửa thế kỷ qua lắm chuyện nương dâu bãi bể ,vật đổi sao dời mà còn trở thành đề tài cho ... vô khối nhà thơ, giống như "em Mầu" trong sân khấu chèo cổ nổi tiếng Quan Âm Thị Kính. Trong số những người "vịnh" thị Nở, tôi thấy bài thơ của nhà thơ Quang Huy có nhiều điều lý thú nhất khi đọc... chậm. Bài "Nỗi niềm thị Nở" mở đầu là câu ..."phản đề":            

Người ta cứ bảo dở hơi

Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi

Đấy là "phản đề" kép, nói là của chính thị Nở cũng đúng; mà bảo tác giả "đỡ lời" cho thị cũng phải. Này nhé:

Dở hơi là dở hơi gì

Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình

Xấu người như thị  Nở; tình người như thị Nở - ảnh 1
Thị Nở trong tạo hình gốm của làng nghề Bát Tràng (Hà Nội) - Ảnh: Phạm Tuấn Anh/anhpt.com

Ừ thì thị xấu người, lại vô duyên... chập mạch  xấu nết nữa, đứng đâu đi đâu cũng cười trơ hàm răng "cải mả" trông gớm chết! Thế nhưng thị cũng là một người đàn bà ... phình phường (!) như ai kia. Mà nói như câu ngạn ngữ ...Tây, không có người đàn bà xấu; chỉ có người đàn bà chưa biết làm đẹp mà thôi. Thị nghèo, nghèo rớt mồng tơi sống với bà ...dì dở hơi trong cái làng Vũ Đại như đám ao tù thời trung cổ ấy, lấy đâu ra "ngữ cảnh cao sang", lấy đâu ra tiền mà làm duyên với dáng. Thế nhưng thị "vô thức" xắn lệch cái váy đụp ấy lên thôi nhé, chỉ hé lộ cho người đời cái "tỉnh tình tinh" trinh trắng thôi nhé, đảm bảo lũ lý Cường cùng đám Ưng Khuyển vác gậy làng Vũ Đại khối đứa "chết thèm" cho mà xem! Bằng chứng là Chí Phèo, loại  người đã thành công cụ đâm thuê chém mướn của bộ máy lý dịch phi nhân tính:                          

Làng này khối kẻ sợ anh

Rượu be với chiếc mành sành cầm tay

Sợ anh chửi đổng suốt ngày

Cái người "đến thế thì thôi" mà trong đáy sâu tâm thức vẫn le lói ánh thiên lương, biết mười mươi thị Nở " Chỉ mình em biết anh say rất . . .hiền". Anh "say rất hiền" ấy, anh ý thức rõ thân phận và giá trị... người trong con mắt thị Nở:

Anh không nhà cửa bạc tiền

Không ưa luồn cúi không quên phận nghèo

Cái tên thơ mộng Chí Phèo

Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao

Quần anh ống thấp ống cao

Làm em hồn vía nao nao đêm ngày

Đã thơ "trên sáu dưới tám" thuần Việt, tác giả lại dùng đậm đặc từ ngữ dân gian giản dị sinh động  như dở hơi , lắm lời, chửi đổng, đứt ruột, nao nao, ống  thấp ống cao vân vân; tiếp đây nhà thơ lại đưa đúng chỗ đúng lúc câu ngạn ngữ "nồi nào vung ấy" thật đắc địa vào mối duyên tình thị Nở- Chí Phèo:

Khen cho con tạo khéo tay

Nồi này thì úp vung này chớ sao

Con Tạo viết hoa "úp " là "úp" duyên tình  thế nào

Đêm nay trời ở rất cao

Sương thì đẫm quá trăng sao lại nhòa

Người ta. . . mặc kệ người ta

Chỉ em rất thật đàn bà với anh

Hai câu kết của nhà thơ Quang Huy cho bài thơ " Nỗi niềm thị Nở" ...đắt giá lắm:

Thôi rồi đắt quá tiết trinh

Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm

“Bát cháo hành Thị Nở” bao năm đã đi vào ngôn ngữ dân gian để nói về một chữ “tình”. Nói gì nữa cũng thành ...thừa chữ, thừa lời. Xin giới thiệu  bài thơ "Nỗi niềm thị Nở" của "bác" Quang Huy nay chắc đã trên tám mươi xuân, một bài thơ ý vị  cùng quý vị ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác