Hội thảo Khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ

(VOV5) -  Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ 2 ở Đàng Trong.

Hội thảo diễn ra ngày 24/8, tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức. 

Hội thảo Khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ - ảnh 1



70 tham luận do các học giả, nhà nghiên cứu trình bày tại Hội thảo tập trung vào các nhóm vấn đề liên quan đến việc làm sáng tỏ, khẳng định vai trò, vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm trong phát triển xứ Đàng Trong; Vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm trong quá trình ra đời Chữ Quốc ngữ, công lao của các giáo sỹ phương Tây, đặc biệt là Fracisco de Pina, Alexandre de Rhodos cũng như vai trò của tiếng Quảng, cư dân Quảng trong quá trình sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Hội thảo Khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ đã tạo dấu ấn sâu sắc về số lượng và chất lượng các tham luận khoa học. Thứ nhất, vai trò, vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm đối với đời sống chính trị, xã hội, quốc phòng và kinh tế của vùng đất Quảng Nam và xứ Đàng Trong. Thứ hai, xác định vai trò Dinh trấn Quảng Nam là nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ, xác định ai là cha đẻ ra chữ Quốc ngữ và vai trò của các vị giáo sĩ như Fracisco de Pina, Alexandre de Rhodos trong việc sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ cũng như vai trò của người Nhật, của trí thức Việt đương thời”. 

Theo sử liệu, vào năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập Dinh trấn Quảng Nam (còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm), ban đầu đặt tại xã Cầu Húc, sau dời về xã Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ 2 ở Đàng Trong. Nơi đây từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh (chiến thắng hạm đội Hà Lan vào năm 1644, đánh bại 7 cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh…); là bàn đạp để tiến hành cuộc Nam tiến. Tại Thanh Chiêm, từ năm 1617 đến năm 1625, linh mục Francisco De Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho 2 giáo sĩ là Alexandre de Rhodes, người Pháp và Antonio Fonte, người Bồ Đào Nha. Linh mục Francisco De Pina đồng thời viết tài liệu giảng dạy “Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác