Nghị sĩ quốc tế đánh giá cao thành tựu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em của VN

(VOV5)- Hôm nay, tại phiên thảo luận “Quyền cơ bản về tiếp cận y tế: vai trò của quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em”, các nghị sĩ nhấn mạnh vào các thách thức và đưa ra những ví dụ cụ thể từ thực tiễn toàn cầu về vấn đề cung cấp các dịch vụ y tế, nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, đề xuất kiến nghị đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em giai đoạn sau năm 2015.

Tại diễn đàn này, đoàn đại biểu Việt Nam giới thiệu những thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, đề xuất những kiến nghị xây dựng pháp luật, giám sát và tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Nói về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc bà mẹ, trẻ em, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Viêt Nam cho biết: Đối với Việt Nam, đánh giá lại mục tiêu thiên niên kỷ về lĩnh vực này thì chúng ta đã hoàn thành và trong khu vực Việt Nam cũng là một trong số nước đứng đầu bảng liên quan đến Mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững sau năm 2015 đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thì Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng dân tộc ít người. Hội nghị này đó là chúng ta có thể nghe những kinh nghiệm của các nước để chúng ta có thể thay đổi biện pháp hoặc là cách đầu tư cho hiệu quả hơn. Ngoài ra, những khuyến nghị từ hội nghị này có thể là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, lắng nghe những khuyến nghị của thế giới và chúng ta cũng phải lựa chọn những mục tiêu phù hợp với Việt Nam.

Bà Hon. Rosaline J. Smith, nghị sĩ Quốc hội Sierra Leone đánh giá cao những thành tựu chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, thể hiện ở khía cạnh ở Việt Nam vai trò của phụ nữ trong xã hội được đề cao và điều này không phải quốc gia nào cũng làm được: Việt Nam làm tốt công tác bình đẳng giới. Tôi thấy nhiều phụ nữ Việt Nam đảm đương các chức vụ cao trong quốc hội, ví dụ như Phó chủ tịch Quốc hội, và bà cũng vừa được bầu làm Chủ tịch nữ nghị sĩ IPU. Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng và sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

Cùng quan điểm, bà Ellen Prins, nghị sĩ Nam Phi cho rằng IPU-132 tổ chức tại Việt Nam, quốc gia đã được Liên hợp quốc đánh giá là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có thành tựu về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, là cơ hội để các quốc gia có thêm kinh nghiệm: Ở Nam Phi, chúng tôi thực hiện nhiều chính sách chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các bệnh nhân HIV/AIDS. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc phòng lây nhiễm HIV bằng nhiều biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, khi đến đây, thông qua các diễn đàn và Hội nghị lớn như thế này, chúng tôi nghĩ rằng Nam Phi có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những tiến bộ và thành tựu của Việt Nam,

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh Quốc tế, Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại  dự kiến thông qua Nghị quyết về chiến tranh mạng và quản trị nguồn nước trước khi trình lên phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU diễn ra vào ngày mai (1/4)./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác