Phải tăng cường lấy ý kiến ở ngay nơi người dân vừa được phục vụ

(VOV5)Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, ngày 27/9, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: để xác định được chỉ số hài lòng của người dân, khâu đầu tiên là tăng cường lấy ý kiến, lắng nghe ở ngay nơi người dân vừa được phục vụ.


Phải tăng cường lấy ý kiến ở ngay nơi người dân vừa được phục vụ - ảnh 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP HCM. Ảnh Bảo Nghi


Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đổi mới thể chế nói chung và cải cách hành chính nói riêng, thì việc xác định chỉ số hài lòng của người dân chính là nhiệm vụ then chốt. Điều này cần phải thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới.  Qua khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc xác định chỉ số hài lòng của người dân cần tập trung vào 3 vấn đề gồm: Xác định thực trạng – Khắc phục hạn chế và Công bố công khai. Ông đề nghị trong tháng tới, Bộ Nội vụ và thành phố Hồ Chí Minh nên xây dựng hoàn thiện kế hoạch phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân cho những năm sau. 

Trong khi đó, làm việc tại thành phố Cần Thơ chiều 28/9, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra mục tiêu bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 60% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020.  Nhận xét về cách thức đánh giá sự hài lòng của người dân sau khi trực tiếp khảo sát tại một số quận, phường tại Cần Thơ, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thước đo hài lòng của người dân là tạo sự đồng hướng giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan hành chính Nhà nước, tạo động lực cho đất nước phát triển. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện việc gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, xã, phường với người dân; tập huấn cho cán bộ khi đi khảo sát chỉ số hài lòng của người dân; đánh giá kết quả khảo sát, rút ra nhận định phân tích để khắc phục hạn chế. 

Phản hồi

Các tin/bài khác