Việt Nam có trách nhiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

(VOV5) - Sáng 27/7, tại Hà Nội, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì phối hợp với Chương trình Sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ tổ chức hội thảo quốc tế về công tác triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.


Việt Nam có trách nhiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - ảnh 1

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết hội thảo dù mang tính kỹ thuật nhưng thể hiện tính biểu tượng cao về quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ làm thật tốt các hoạt động đóng góp vào hòa bình quốc tế. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã gửi các sỹ quan tham mưu đi các phái bộ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, sắp tới đây sẽ tiếp tục gửi các sỹ quan tham gia các phái bộ khác. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Trong thời gian tham gia gìn giữ hoạt động hòa bình vừa qua, chúng tôi hiểu rằng đây là hoạt động rất khó khăn. Cái mà chúng tôi cần nhất là những kinh nghiệm, kỹ thuật, sự cần thiết chuẩn bị cho lực lượng bộ đội của chúng tôi triển khai ở các phái bộ ở nước ngoài. Vì vậy sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, của các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, giúp chúng tôi những kiến thức mới về hoạt động này như là cuộc hội thảo hôm nay là vô cùng cần thiết".

Về phần mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng hội thảo là  bước tích cực và quan trọng nữa để thể hiện nhận thức hoàn toàn quyết tâm của Việt Nam trong việc tham gia đầy đủ vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.


Trong 5 ngày diễn ra hội thảo, các chuyên gia quân sự quốc tế tập trung thảo luận các chủ đề: khái quát tình hình, thách thức và các thay đổi ở cấp độ chiến dịch, chiến lược; giới thiệu khái quát về hệ thống bảo đảm trang bị của quốc gia cử quân, Bản ghi nhớ kỳ với Liên hợp quốc, hệ thống thanh toán hoàn trả cho nước đóng góp quân; các yêu cầu về huấn luyện của Liên hợp quốc; quá trình chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. 

Phản hồi

Các tin/bài khác