Quốc hội thảo luận dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

(VOV5)- Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo là vô cùng cần thiết nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng về biển của Việt Nam.


Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII, sáng 28/05, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe trình bày Dự án Luật trưng cầu ý dân; Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và tập trung thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.


Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. 



Quốc hội thảo luận dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo  - ảnh 1
Quốc hội làm việc tại hội trường (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)


Cho ý kiến về dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đại biểu Bùi Thị An, Đoàn Hà Nội, cho rằng Việt Nam có hơn 3200km bờ biển với tiềm năng to lớn về tài nguyên khoáng sản, bên cạnh đó còn có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn 1 triệu km2. Điều này cho thấy việc ban hành Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo là vô cùng cần thiết nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng về biển của Việt Nam. Đại biểu Bùi Thị An nêu ý kiến: “Chính phủ nên nghiên cứu thành lập Bộ kinh tế biển để làm sao khai thác, quản lý có hiệu quả nhất ngành kinh tế này vì hiện giờ ngành kinh tế biển đóng góp khoảng 50% GDP cả nước. Tôi cho rằng việc thành lập Bộ kinh tế biển là phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn Việt Nam”.


Một số đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách đặc biệt quan tâm đến biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu, đầu tư xây dựng và phát triển 2 quần đảo này, vừa có ý nghĩa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng.


Nội dung chính trong phiên họp Quốc hội chiều 28/5 là thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013 mức bội chi ngân sách nhà nước bằng 6,6% GDP,  tăng cao hơn mức bội chi được Quốc hội cho phép (5,3%). Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng: kết quả thu chi ngân sách nhà nước năm 2013 cơ bản đáp ứng được các mục tiêu nhiệm vụ Quốc hội quy định, thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng. Dự toán thu ngân sách nhà nước là 816 nghìn tỷ đồng, quyết toán 828 nghìn 348 tỷ đồng, tăng 1,5% so với dự toán.

Cũng trong phiên thảo luận chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm trước Quốc hội xung quanh vấn đề bội chi và tình trạng thất thu ngân sách. Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển báo cáo thêm về vấn đề thu ngân sách nhà nước từ hoạt động dầu khí năm 2013.


Ngày mai (29/5), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kế toán và Dự án Luật phí, lệ phí./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác