Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc:mô hình thành công nhất của sự nghiệp giáo dục, đào tạo VN

(VOV5) - Các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho đất nước.


Năm 1954, ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh  và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương thành lập hệ thống Trường học miền Nam trên đất Bắc. Với 21 năm (1954 – 1975), các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho đất nước. 


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được thành lập. Hơn 32 nghìn con em cán bộ cách mạng ở miền Nam đã được đưa ra miền Bắc để nuôi dạy, đào tạo để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Dù còn muôn vàn khó khăn do chiến tranh tàn phá, Trung ương Đảng, Chính phủ và ngành giáo dục vẫn tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho việc nuôi dạy các thế hệ học sinh miền Nam. Nhân dân miền Bắc đã đùm bọc, cưu mang những cán bộ cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhờ đó, đội ngũ học sinh miền Nam đã trưởng thành, trở thành nguồn cán bộ chủ chốt, có những đóng góp to lớn cho cách mạng miền Nam và sau đó là đất nước Việt Nam thống nhất. Phát biểu tại lễ niệm 60 năm thành lập Trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng Việt Nam. Thành tựu to lớn rất đáng tự hào của các trường học sinh miền Nam là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn có chất lượng giáo dục đặc biệt, đã cung cấp cho đất nước đội ngũ cán bộ đông đảo với chất lượng cao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: 
Mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc chỉ tồn tại hơn 20 năm nhưng những thành quả mà trường xây dựng được đó là kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo. Từ phương pháp dạy và học đến việc thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện như học đi đôi với hành, nhà trường còn gắn liền với xã hội, kết hợp học tập kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức của học sinh.


Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc:mô hình thành công nhất của sự nghiệp giáo dục, đào tạo VN - ảnh 1



Để chuẩn bị chiến lược lâu dài vào sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho miền Nam trong khi miền Nam còn nằm trong chế độ tàn bạo của kẻ thù. Các trường nội trú học sinh miền Nam được thành lập nhằm nuôi dưỡng, đào tạo những thiếu niên, nhi đồng miền Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là "những hạt giống đỏ". Họ sẽ là những cán bộ chủ chốt chi viện cho miền Nam trong kháng chiến và xây dựng đất nước sau này. Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Trưởng Ban liên lạc Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, cho rằng việc thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Ống khẳng định mô hình giáo đào tạo của Trường là đề cao nhân cách con người, tôi luyện ra một thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc luôn sống trung thực, nghĩa tình, phấn đấu học tập, rèn luyện cho mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
: Trong hoàn cảnh giáo dục đặc biệt đó có Đảng Nhà nước với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt thì trách nhiệm và tình cảm ở mức cao hơn nữa. Chính những cái đó nó lưu giữ, trở thành lời nhắc nhở khi làm gì sai thì vẫn nhớ và định hình nhân cách của người học sinh miền Nam thông qua giáo dục đó. Có thể nói nhân cách của chúng tôi bây giờ có được trong đó có ảnh hưởng của thầy cô giáo, giúp hình thành ý thức trách nhiệm xã hội.



Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc:mô hình thành công nhất của sự nghiệp giáo dục, đào tạo VN - ảnh 2
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm (Ảnh: Lê Thơm)



Giáo sư, Tiến sỹ Lê Du Phong, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng ban tổ chức Lễ kỷ niệm cho biết: Mô hình Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng để lại những kinh nghiệm, bài học bổ ích cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay. Điều đó càng khẳng định sự đúng đắn về chủ trương đào tạo, rèn luyện cán bộ phục vụ nhân dân, đất nước:
Mặc dù trường học sinh miền nam trên đất bắc chỉ tồn tại 21 năm nhưng những gì Đảng, Nhà nước để lại, giá trị chưa hề thay đổi, vì vậy mục tiêu kỷ niệm là để khẳng định lại việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. thứ 2, tuy miền Bắc được giải phóng nhưng đồng bào nghèo, với điều kiện như vậy đồng bào miền bắc vẫn nuôi dưỡng học sinh miền Nam tốt nhất.


Sinh thời, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu nhất của đất nước. Điều này đã được khẳng định khi một thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành từ mô hình giáo dục đặc biệt này đã đảm đương nhiều cương vị quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ban, ngành của Trung ương và địa phương. Các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc đã và đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác