Tục thờ Mẫu và hầu đồng hướng tới di sản văn hoá phi vật thể nhân loại

(VOV5)- Tục thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng( hay còn gọi là hầu bóng) là hoạt động tín ngưỡng dân gian chứa đựng những giá trị văn hoá tâm linh truyền thống của người Việt. Trong đó hầu đồng là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, có âm nhạc, có lời ca, điệu múa. Trải qua bao thời gian, tục thờ mẫu và nghi lễ hầu đồng vẫn tồn tại đến ngày nay như một bảo tàng sống của truyền thống văn hoá Việt Nam. Với những giá trị văn hoá đặc sắc, đạo Mẫu và  hầu đồng đang hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2013.

Tục thờ Mẫu và hầu đồng hướng tới di sản văn hoá phi vật thể nhân loại - ảnh 1
Hầu đồng ở Lảnh Giang - Ảnh: tienphong.vn


Thờ Mẫu là tập tục có từ lâu đời ở Việt Nam, bắt nguồn từ tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ, đại diện cho thiên nhiên như Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa…sau này nhân gian còn suy tôn các vị nữ anh hùng , các Công Chúa, Hoàng Hậu, hay bà Tổ nghề của một làng nghề.. là Thánh Mẫu. Thánh Mẫu vừa là vị thần vừa có quyền năng màu nhiệm huyền bí, vừa như người mẹ bao dung che chở, gần gũi trong đời sống tâm linh của người dân. GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá dân gian Việt Nam, cho rằng:
“Đạo Mẫu  là việc tôn thờ Mẫu ( Mẹ) với tư cách là một vị nữ thần, một vị Thánh Mẫu trong niềm tin dân gian, đó là đấng sáng tạo ra vũ trụ, cai quản vũ trụ và che chở cho con người và mang lại cho con người 3 điều cơ bản: Đó là ban sức khoẻ, tiền tài và lộc. Đạo Mẫu không quan tâm đến con người sau khi chết( linh hồn) mà quan tâm đến cái hiện hữu của con người. Có lẽ bởi thế xã hội càng hiện đại thì đạo Mẫu càng phát triển, bởi lẽ sức khoẻ, tiền tài và danh vị là thứ  mà ai cũng cần”


Theo tín ngưỡng dân gian, vũ trụ được chia ra làm ba miền (ứng với tam phủ) hoặc bốn miền (ứng với tứ phủ) và mỗi miền lại được biểu tượng hoá bằng màu sắc. Tam phủ gồm: Thiên Phủ ( cõi trời- màu đỏ), Địa phủ ( cõi đất- màu vàng) và Thoải phủ ( cõi nước- màu trắng). Còn Tứ phủ ngoài Thiên Phủ, Địa phủ, Thoải phủ còn có thêm Nhạc phủ ( miền rừng núi- màu xanh). Bởi vậy ở các đền chùa, miếu mạo, người ta thường thấy có gian thờ Mẫu, trong đó có thờ Tam Toà Thánh Mẫu hay Tứ Phủ. Tuy nhiên, trong tâm thức người dân, Thánh Mẫu thực chất chỉ là một, bà đã hoá thân thành 3 hoặc 4 vị thần để cai quản những vùng miền khác nhau của vũ trụ. Bởi thế Mẫu là đại diện cho một vị Thánh Mẫu duy nhất là người mẹ của tâm linh, một biểu tượng bất diệt trong lòng người dân Việt. Đặc biệt  các nghi thức cúng lễ trong đạo Mẫu đã hình thành một hình thức sân khấu tâm linh, đó là lên đồng (hay còn gọi là hầu đồng). Hầu đồng dần trở thành nghi lễ quan trọng và qua hình thức nghi lễ này đã sản sinh làn điệu dân ca kết hợp âm nhạc và điệu múa, đó là hát Chầu văn.              

Tục thờ Mẫu và hầu đồng hướng tới di sản văn hoá phi vật thể nhân loại - ảnh 2
Một buổi hầu đồng - Ảnh: internet

Nghi thức hầu đồng thường diễn ra ở các phủ, đền, chùa, trong bầu không khí trang nghiêm đầy màu sắc tâm linh. Các buổi hầu đồng được chuẩn bị rất kỹ càng với các lễ vật cúng thần linh được bày biện đẹp mắt, ánh đèn nến lung linh tạo ra không gian sân khấu huyển ảo, lộng lẫy. Các giá đồng diễn ra trong tiếng đàn, tiếng phách khi trầm khi bổng càng lối cuốn hấp dẫn người tham dự. Về bản chất, nghi thức hầu đồng là việc mượn thân xác của các ông đồng, bà đồng để thần linh nhập vào nhằm cầu xin tài lộc, sức khỏe ban cho con người. Người hầu đồng, gọi chung là Thanh đồng nếu là nam giới thì được trang điểm như nữ giới và gọi là “cậu”, còn nữ giới được gọi là “ cô” hay “bà đồng”. Thường có từ 2 đến 4 người phụ giúp để chuẩn bị các trang phục lễ lạt cho “cô” đồng, “cậu” đồng. Trong một buổi lên đồng thường có nhiều giá đồng. Mỗi lần thay giá đồng, người ta lại phủ một tấm vải đỏ lên đầu người hầu đồng và mỗi giá đồng phải thay một bộ trang phục, quần áo, khăn chầu, cờ quạt cho tương xứng.


Trong tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng hát cung văn khi trầm khi bổng ngâm các bài thơ cổ kể lại những câu chuyện, tích xưa, người hầu đồng khi thì hóa thân thành một vị tướng, khi thì là một quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái đang tung tăng nhảy múa..Điệu múa của Thanh đồng cũng được thay đổi theo đặc điểm của  từng giá đồng.  Giá quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, còn giá các chầu bà thì múa quạt, múa khăn,  giá ông hoàng thì có múa cờ, còn giá các cậu thường múa hèo( gậy), múa lân ...Những người lên đồng như diễn viên thực thụ, hoá thành các nhân vật lịch sử. Bà Liên, vốn là một nghệ nghệ sỹ và từng tham dự lễ hầu đồng, nhận xét: “ Tôi từng công tác ở nhà hát vũ kịch và diễn nhiều vở, nhưng khi tham gia buổi lên đồng ở đây, tôi có cảm giác, mỗi giá đồng đều diễn tả, thể hiện tình cảm của nhân vật như trong vở kịch. Có cảnh đi đánh giặc, ví dụ như cảnh ông Hoàng Mười đánh giặc Đông- Tây- Nam- Bắc…” 


Thông qua các giá đồng, các vị thánh được lịch sử hoá , được tôn thờ là những người có nhiều công trạng với quê hương, dân tộc, chứa đựng tinh thần yêu nước. Đây cũng là kho tàng về những huyền thoại, truyền thuyết về các thần linh, trong đó có hình thức văn học truyền miệng, diễn xướng với âm nhạc, múa và các hình thức trang trí kiến trúc. Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá trong nước và quốc tế đều cho rằng:  tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng mang giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp của Việt Nam, đó là tinh hoa chắt lọc suốt chiều dài lịch sử, đó là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho sự sáng tạo và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị văn hoá đặc sắc như vậy Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng hội đủ điều kiện để đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận./.

Phản hồi

Các tin/bài khác