Diễn từ Giải Sách hay GD: ĐH theo tinh thần Humboldt -nền tảng của sự phồn vinh

(VOV5)- Giải thưởng “Sách hay 2012” vừa được trao trung tuần tháng 9, vinh danh 14 tác phẩm. Giải thưởng năm nay có chủ đề “Sách và Khai minh” nhằm nêu bật ý nghĩa sách như một công cụ khai minh xã hội; gìn giữ, tôn vinh và lan tỏa những giá trị trhi thức và văn hóa tốt đẹp đến cộng đồng. Giải thưởng đặt trên cơ sở các bậc thức giả, giới trí thức và bạn đọc cùng bắt tay “gạn đục khơi trong” tạo ra một “màng lọc tri thức” trong bối cảnh sách hay dở lẫn lộn giữa bể sách mênh mông. Do vậy, những cuốn sách được trao giải năm nay được yêu cầu phải chứa đựng những tư tưởng, triết lý tiến bộ, đồng thời có tính khai minh/khai sáng cao trong từng hạng mục giải thưởng.

Cuốn kỷ yếu “Ðại học Humboldt 200 năm (1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam”, do TS Nguyễn Xuân Xanh (người Việt ở Đức) đại diện nhóm biên soạn (NXB Tri Thức được trao tặng giải Sách hay Giáo dục. Tạp chí văn nghệ xin trân trọng giới thiệu diễn từ của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, nhân giải thưởng này.

Diễn từ Giải Sách hay GD: ĐH theo tinh thần Humboldt -nền tảng của sự phồn vinh - ảnh 1


Tôi xin phép được thay mặt nhóm chủ biên gồm có các GS Ngô Bảo Châu, Cao Huy Thuần, Pierre Darriulat, Hoàng Tuỵ, Phạm Xuân Yêm; nhóm 13 vị tư vấn, trong đó có các anh chị như Bùi Trân Phượng, Bùi Văn Nam Sơn, Chu Hảo, Vũ Quang Việt, …và trên 40 tác giả trong và ngoài nước đã tham gia làm nên cuốn sách này, để gửi lời cám ơn chân thành đến Hội đồng trao giải, Hội đồng xét tuyển và Ban tổ chức Giải thưởng Sách Hay 2012 đã dành cho tác phẩm “Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm: Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam”, NXB Tri Thức, phần thưởng tinh thần vô cùng quý báu và khích lệ này.

Chúng tôi cũng xin tri ân Quỹ Asia Foundation, Trường Đại học Hoa Sen, Viện Văn hoá Goethe TP HCM là ba tổ chức mạnh thường quân đã nhiệt tình hỗ trợ việc xuất bản để sách được ra mắt đọc giả, và một mạnh thường quân Việt kiều Nhật-Úc (TS Nguyễn An Trung) đã tài trợ thêm 800 quyển để tặng cho thư viện các đại học Việt Nam.


Đại học là “ngôi nhà minh triết”, ngôi nhà tri thức của nhân loại, là những thể chế văn hoá và giáo dục nền tảng của xã hội không thể thiếu, từ ngàn năm qua như thết và ngàn năm sau cũng sẽ như thế, để phục vụ xã hội, phát triển dân chủ, góp phần nâng cao văn hoá và tạo sự phồn vinh, đem lại ổn định xã hội và bảo vệ đất nước.


Nếu như hạt Higgs đã tạo ra khối lượng cho các hạt vật chất trong vũ trụ, trong đó có bản thân chúng ta, thì 200 năm trước Đại học Berlin với tinh thần Humboldt cũng đã tạo ra trọng lượng và sức mạnh cho các đại học nghiên cứu thời hiện đại từ Đông sang Tây mà bản thân sự phồn vinh hôm nay của thế giới là một hệ quả trực tiếp. Khoa học và nghiên cứu khoa học lần đầu tiên được thể chế hoá và trở thành động lực mạnh mẽ của sự phát triển của xã hội phương Tây. Không có nghiên cứu, không có tự do trong học thuật để khám phá chân lý và truyền bá, không lấy khoa học, Wissenschaft, làm gốc của việc giáo dục, tạo hình con người, Bildung, không kết nối nghiên cứu và giảng dạy thì không thể có đại học mà chỉ có trường lớp trung học thôi, và sẽ không có chỗ đứng nào trên bản đồ giáo dục đại học thế giới cả, cũng như quốc gia sẽ không có chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng các dân tộc được.


Đại học Humboldt ra đời được trao cho sứ mạng lịch sử rất vinh quang và táo bạo, đó là “Lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những mất mát vật chất”, sau sự thất trận của Phổ trước Napoleon năm 1806. Các đại học tiên phong ở châu Á cũng đã ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử và cũng được trao cho sứ mệnh chấn hưng đất nước tương tự như thế. Đại học Bắc Kinh, đại học tinh hoa đầu tiên của Trung Hoa, được thành lập năm 1898, tức 5 năm sau khi vương quốc khổng lồ này thua trận nặng nề trong chiến tranh Nhật-Thanh 1894/95. Tại Nhật Bản, sớm hơn 40 năm và sớm nhất tại phương Đông, đại học khai minh đầu tiên Keio do nhà khai sáng lớn Fukuzawa Yukichi thành lập năm 1858, tức 5 năm sau khi những chiếc tàu đen của Commodore Perry nổ súng vào cảng Tokyo buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương và ký những hiệp ước thương mại bất bình đẳng, đe doạ trực tiếp đến sinh mạng chính trị của đảo quốc này. Tiếp theo là Đại học Công nghệ Hoàng đế Tokyo năm 1873; và Đại học Tổng hợp Hoàng đế Tokyo năm 1877 của thời Minh Trị Duy Tân.


Hiện nay trên thế giới đang diễn ra một cuộc chạy đua nâng cấp hệ thống đại học tinh hoa với quy mô lớn chưa từng có, nhằm giành lấy chất xám từ ngoài và ngăn chặn nạn chảy máu chất xám từ trong, cũng như để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong thời đại toàn cầu hoá, phát triển văn hoá và đào tạo giai cấp lãnh đạo tinh hoa. Từ Đông sang Tây đều như thế. Việt Nam đã chậm chân trong lịch sử, nay vẫn còn quá chậm chân mà những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước đều phải thấy nóng lòng. Đất dưới chân ta lại như muốn bốc lửa mà cái đầu ta vẫn còn chậm chạp làm sao. [Xin xem thêm sách mới “Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại” của học giả Mỹ Ben Wildavsky, Nxb Tri Thức và ĐH Hoa Sen, ra mắt trong mùa Hội sách tháng 3 vừa qua tại TP HCM.]


Tôi xin kết thúc diễn từ tri ân trên diễn đàn ngày hội sách hay thật hoành tráng này bằng một câu nói khẩn thiết bốn trăm năm trước của nhà tiên tri và triết gia của khoa học hiện đại Francis Bacon (1561-1626), nay vẫn còn đáng để suy ngẫm làm sao (!):


Chân lý là đứa con của Thời đại, không phải của quyền uy. Và sẽ là điều sỉ nhục cho nhân loại nếu các lãnh vực của thế giới vật chất, các quốc gia, biển cả, tinh tú trong thời đại chúng ta đều được mở rộng vô biên và được soi sáng, nhưng biên giới của thế giới trí thức thì lại bị bó hẹp trong cái góc nhỏ của thời Trung cổ.


Các đại học theo tinh thần Humboldt có thể giúp quốc gia nhanh chóng soi sáng và mở rộng biên giới chật hẹp của trí thức để vượt thời gian theo kịp thế giới. Và thực tế chỉ có những đại học đó thôi. Cải cách quyết liệt do đó phải là mệnh lệnh sống còn của đất nước! Không có lý do gì để e ngại đại học theo tinh thần Humboldt, vì trên toàn thế giới các đại học này là đều nền tảng của sự phồn vinh./.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:


Feedback

Others