Một lần đến Điện Biên

 (VOV5)- Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui... Những câu ca trong bài hát  "Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vừa mộc mạc, vừa vui tươi đã tồn tại 60 năm, hôm nay nghe lại vẫn như còn như mới và ngày giải phóng Điện Biên (07-05-1954) đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Hồi còn cắp sách tới trường, mỗi lần có bài học lịch sử về thời kì chống Pháp, nhất là về chiến dịch Điện Biên Phủ tôi luôn mơ ước được một lần đến Điện Biên. Ước mơ ấy tôi đã thực hiện được nhờ một dịp may hiếm có.

Cách đây 40 năm, một hôm chồng tôi bảo: hôm nay anh đi Gia Lâm - Điện Biên, em có thích đi chơi không?

Hai giờ chiều anh quay lại đón (vì chồng tôi làm nghề đo đạc – bản đồ, ngoài đo bằng đường bộ, còn phải đo bằng máy bay). Tôi mừng quá đến cơ quan xin nghỉ đột xuất một ngày, đi gửi con nhà trẻ, theo chồng bay lên Mường Thanh.

Đặt chân xuống sân bay, một mình trong khung cảnh mênh mông trời đất của vùng Tây Bắc, mặc dù đã giải phóng 20 năm, nhưng lại mới một năm Mỹ ngừng ném bom Miền Bắc, vì thế tất cả còn rất hoang sơ, thậm chí có mấy con trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ trong sân bay.

Tôi nhớ tới lịch sử của chiến dịch Điện Biên năm nào: vào tết Giáp Ngọ, sau khi gọi điện chúc tết đơn vị pháo binh, Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hỏi:

-         Có định làm gì để chào mừng năm mới không?

-         Báo cáo, anh em sẵn sàng!

-         Được, cho bắn vào sân bay!

-         Rõ, nhưng xin chờ cho đến lúc trời tan sương.

-         Đồng ý, nhắc anh em chuẩn bị đầy đủ. Ngắm thật chính xác mới bắn. Đã bắn là trúng.

Mười giờ, biển sương trên cánh đồng Mường Thanh mới tan, sân bay lộ ra với 8 chiếc khu trục Hellcat, 2 máy bay thám thính Morane và 2 máy bay vận tải Dacota. Trong phút chốc, 10 quả đại bác 75 ly giội trúng sân bay. Một chiếc Morane bốc cháy, một số chiếc khác trúng đạn.

Đại tướng hiểu rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm chơ vơ giữa vùng rừng núi mênh mông đã hoàn toàn giải phóng, rất xa những căn cứ hậu phương, mọi việc tăng viện và tiếp tế đều phải dựa vào đường không, nên ông đã quyết định khống chế sân bay. Những phát pháo nã vào sân bay đã làm quân địch điên cuồng. Chúng chưa tìm ra cách nào để loại trừ hiểm họa đã thực sự xuất hiện, từ nay sẽ thường xuyên lơ lửng trên đầu mà trước đây các tướng lĩnh và chính khách Pháp đều thống nhất đánh giá Điện Biên Phủ là „một pháo đài khổng lồ không thể công phá”.

Một lần đến Điện Biên - ảnh 1
Hầm chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ

Rời sân bay tôi lội suối đến chợ, một khu chợ miền núi, lại không phải phiên, giờ đã trưa, nên chẳng còn gì ngoài mấy túp lều lưa thưa. Không mua được gì, tôi lững thững một mình đi thăm hầm Đờ Caxtơri. Đứng trên nóc hầm, tâm trạng thật khó tả, vừa xúc động, vừa lâng lâng nghĩ tới những câu thơ của Tố Hữu: Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát... Năm mươi sáu ngày đêm/ Khoét núi ngủ hầm/ mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ chí không mòn...

Chỗ tôi đứng hôm nay đã có biết bao tấm gương hi sinh, có người dùng thân mình chèn để pháo khỏi lao xuống dốc, có người xông vào lấp lỗ châu mai và biết bao nhiêu người đã ngã xuống để lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tung bay trên nóc hầm chỉ huy này của địch...

Tôi lại tưởng tượng đến hình ảnh vị Đại tướng tổng tư lệnh trên trán buộc nắm ngải cứu đã thay đổi cả một chiến thuật bắt Đờ Caxtơri, một vị quí tộc, người hùng của nước Pháp trong đại chiến thế giới lần thứ II, người mà tướng Navarre khẳng định: trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn...

Thậm chí Bộ chỉ huy Pháp chỉ lo đối phương không đến đánh nên máy bay Pháp đi rải truyền đơn xung quanh Điện Biên Phủ thách Việt Minh đến giao chiến. Chấp nhận lời thách đố của tướng Pháp, Đại tướng tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam phải tìm ra và đã tìm ra cách đánh của Việt Nam, điều bí ẩn mà các nhà quân sự phương Tây không thể lường trước được. Chính vì vậy họ đã phải giương cờ trắng ra hàng.

Đã đến giờ trở lại sân bay Mường Thanh để về Hà Nội, tôi vẫn còn ngẩn ngơ luyến tiếc vì không còn thời gian đi tiếp.

Giải phóng Điện Biên, chiến thắng thực dân Pháp tôi mới chỉ là một cô bé chưa đầy 10 tuổi, khi tôi đến đây thì cả Miền Bắc vừa trải qua cuộc chiến lần thứ 2 với đế quôc Mỹ, thủ đô Hà Nội cũng chưa kịp khắc phục hậu quả, chứ nói gì đến vùng núi rừng Tây Bắc xa xôi này.

Bây giờ tôi tin Điện Biên cũng như cả nước đã thay đổi nhiều về mọi mặt.

Nhân kỉ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên và tưởng nhớ tới vị Đại tướng đã làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tôi viết lại một chuyến đi không chuẩn bị trước như một nén tâm nhang tỏ lòng kính trọng đến Đại tướng và những cảm nghĩ của mình về vùng đất lịch sử mãi mãi sống trong mỗi con người Việt Nam chúng ta./.

Phản hồi

Các tin/bài khác