25 năm Việt Nam đóng góp, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN

(VOV5) - Việc trở thành thành viên của ASEAN đã tạo ra bước ngoặt cho Việt Nam, tạo đà chuyển đổi nền kinh tế, mở cửa, gia tăng hội nhập

Ngày 28/7/2020 đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (28/7/1995-28/7/2020). 25 năm qua, Việt Nam luôn thể hiện vai trò của một thành viên tích cực, có trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng ASEAN vững mạnh và ngày càng có vị thế cao trong khu vực và quốc tế.

25 năm Việt Nam đóng góp, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN - ảnh 1 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự các hoạt động kỉ niệm ngày thành lập ASEAN.

Việc trở thành thành viên của ASEAN đã tạo ra bước ngoặt cho Việt Nam, tạo đà chuyển đổi nền kinh tế, mở cửa, gia tăng hội nhập và trở thành bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, gia nhập ASEAN, Việt Nam có cơ hội đóng góp đưa ASEAN trở thành một tổ chức có vị thế trong khu vực, ngày càng hấp dẫn với các đối tác ngoài khu vực. 

Những đóng góp nổi bật xây dựng Cộng đồng ASEAN

25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho ASEAN. Điều đầu tiên và cũng là dễ thấy nhất đó là “việc tham gia ASEAN của Việt Nam đã kết thúc giai đoạn phân chia Đông Nam Á thành hai cực”, tạo đà để Campuchia và Myanmar trở thành thành viên của ASEAN và đưa tổ chức này trở thành nơi tập hợp của toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á.

Không chỉ vậy, Việt Nam có nhiều  đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị và tăng trưởng của ASEAN. Trong suốt 25 năm là thành viên của ASEAN, “Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng và ủng hộ mạnh mẽ các chương trình của tổ chức này”. Các sáng kiến đã góp phần tạo nên dấu ấn mỗi khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN lần đầu tiên vào năm 1998, Việt Nam đã kịp thời đưa ra Chương trình Hành động Hà Nội để giúp các nước phục hồi nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng và thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trong khu vực. Đến khi làm Chủ tịch ASEAN lần thứ 2 vào năm 2010, Việt Nam lại thúc đẩy “văn hóa hành động”, khuyến khích và thúc đẩy các thành viên hoàn thành các mục tiêu mà ASEAN đã đề ra. Khi làm Chủ tịch ASEAN trong năm nay, mục tiêu này tiếp tục được thúc đẩy và được thể hiện qua chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đánh giá: Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ ASEAN là một trong những tổ chức quốc tế mà nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các cường quốc và các nước phát triển có mong muốn phát triển và tăng cường quan hệ. Điều này thể hiện ASEAN  là một khối gắn kết, một khối đồng thuận, một khối có tư tưởng xây dựng- điều khiến các nước muốn đến hợp tác và phát triển quan hệ với Khối. Đây là một trong những điều mà Việt Nam đang lãnh đạo ASEAN để tổ chức thực hiện nhằm phát triển và tăng cường tình đoàn kết trong nội khối.  

25 năm Việt Nam đóng góp, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN - ảnh 2 Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia.

Không chỉ tạo ra những dấu ấn riêng, đóng góp vào sự phát triển của ASEAN, Việt Nam còn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch dài hạn để ASEAN có tầm nhìn chiến lược rõ hơn về tương lai của mình. Đồng thời, sự kiên trì theo đuổi nguyên tắc đồng thuận, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam giúp ASEAN duy trì sự đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển đồng đều trong khu vực. 

Thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN

Một trong những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam vào ASEAN mà không thể không nhắc tới đó chính là việc Việt Nam vận dụng kinh nghiệm ngoại giao đa phương và mối quan hệ ngoại giao song phương để thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia, cho rằng: Chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa cũng như kinh nghiệm trong ngoại giao song phương được Việt Nam vận dụng để giúp ASEAN thúc đẩy quan hệ với các đối tác đối thoại, trong đó có Nga và Ấn Độ. Trong các vấn đề khu vực, Việt Nam là thành viên sáng lập Diễn đàn khu vực ARF, Việt Nam cũng là chủ nhà của Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ADMM+ đầu tiên vào năm 2010. Việt Nam cũng là một trong những thành viên ủng hộ mạnh mẽ việc Nga và Mỹ gia nhập Cấp cao Đông Á để nâng tầm diễn đàn này.

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng là quốc gia thành viên tích cực đề cao các cơ chế và cách thức của ASEAN để ứng xử với các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết ASEAN trong vấn đề Biển Đông để hướng các bên tới tới cách hành xử tích cực.

Có thể thấy, việc gia nhập ASEAN không chỉ tạo ra những thay đổi về mọi mặt đối với Việt Nam mà còn góp phần tạo ra những dấu ấn và vị thế mà ASEAN có được như ngày nay. Lợi ích song trùng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng ASEAN phát triển hơn nữa trong tương lai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác