ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông

(VOV5) - Những gì ASEAN đã và đang thể hiện thời gian qua khẳng định ASEAN đang ngày càng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể ứng phó với các thách thức.

Biển Đông, vùng biển chiến lược ở Châu Á, đang ngày càng thu hút sự quan tâm của quốc tế, trong đó sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn đang nổi lên ngày càng gay gắt. Thời gian qua, nhiều quốc gia ven biển Đông, cụ thể là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ, làm rõ hơn lập trường pháp lý ở Biển Đông thông qua các công hàm được trao đổi tại Liên hợp quốc, cùng những tuyên bố cụ thể. Qua đó, cho thấy các quốc gia ngày càng đề cao vai trò và giá trị của luật pháp quốc tế, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông - ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. - Ảnh TTXVN.  

Biển Đông là khu vực mà ở đó nhiều nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích chung, bởi đây là khu vực địa chiến lược, địa kinh tế, thông thương tự do hàng hải. Quốc gia nào cũng muốn tự do hàng hải, thương mại, đi lại được bảo đảm ở khu vực này. Với ASEAN, khu vực này lại càng quan trọng bởi hầu hết quốc gia thành viên đều có liên quan trực tiếp tới lợi ích Biển Đông.

Thống nhất cao trong quan điểm, lập trường

Nhắc đến tình hình Biển Đông thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ thể khiến quan hệ giữa các nước lớn xấu đi. Các hoạt động gia tăng hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông của Trung Quốc gần đây đã gây nên phản ứng mạnh mẽ của chính phủ và người dân ở nhiều nước, nhất là các quốc gia ASEAN.

Nhiều nước đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bày tỏ lập trường pháp lý ở Biển Đông. Theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, điều này cho thấy tính thống nhất cao của ASEAN trong việc đề cao luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp Biển Đông: “Việc lưu hành công hàm với những nội dung mang đậm những ngôn ngữ và hàm ý pháp lý cho thấy các quốc gia ngày càng đề cao vai trò và giá trị của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), qua đó khẳng định tính chất phổ quát và nhất quán của Công ước Luật Biển đã thiết lập khuôn khổ pháp lý, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương được thực hiện. Đây chính là các hành động thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà cộng đồng quốc tế mong muốn”.

Nhận thức rõ Biển Đông là một trong những thách thức chính đối với Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, ASEAN đã và đang có những bước đi, quan điểm rõ ràng hơn về những dự kiến, kế hoạch trong vấn đề này, dự báo những tác động đối với ASEAN và các quốc gia thành viên cũng như nhấn mạnh vai trò trung tâm ASEAN để xử lý vấn đề.

Trong cả hai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và lần thứ 37 trong năm 2020, vấn đề Biển Đông đều nhận được đồng thuận từ các lãnh đạo ASEAN rằng cơ sở pháp lý duy nhất và nhất quán để giải quyết các vấn đề của Biển Đông là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Tất cả các nước cũng đã nhất trí thúc đẩy nhanh chóng tiến trình đàm phán và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), văn bản điều hành tất cả những xử sự trên biển giữa các bên liên quan vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan trọng hơn, ASEAN luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng: “ASEAN đã xác định, các nước thành viên ASEAN cũng xác định không chọn bên mà chỉ chọn lợi ích của ASEAN. Với quan điểm rõ ràng như vậy thì ASEAN luôn có lập trường riêng của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đấy chính là cách để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm của mình ở khu vực”.

ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông - ảnh 2 Nhà báo Ấn Độ Rudroneel Gosh. Ảnh: VOV

ASEAN giữ vai trò quan trọng

Vấn đề biển Đông hiện tại đang là một trong những chủ đề địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới. Và Biển Đông đã trở thành tâm điểm của khu vực Đông Á với nhiều lợi ích đan xen phức tạp và dính líu trực tiếp đến các quốc gia ASEAN cả trong ngắn và dài hạn. Đó là bởi khu vực ASEAN đang trở thành trung tâm tăng trưởng của toàn cầu. Trong bối cảnh đó, vấn đề Biển Đông nếu không được giải quyết một cách đúng đắn theo luật pháp quốc tế và theo trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, nó sẽ ảnh hưởng xấu tới toàn bộ khu vực. Bởi vậy, ASEAN càng cần phải giữ vững vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề ở Biển Đông. Nhà báo Ấn Độ Rudroneel Gosh cho rằng: “Khu vực ASEAN có vai trò rất quan trọng, nếu nhìn trên quan điểm địa chính trị. Cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch từ Tây sang Đông. Đó là lý do vì sao hiện nay, các vấn đề an ninh chính trị lớn nhất lại đang nằm ở Đông Á. Và điều quan trọng là phải có trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực này nơi mà mọi người phải tôn trọng luật lệ quốc tế, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác”.

ASEAN đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC và nỗ lực xây dựng COC.

Những gì ASEAN đã và đang thể hiện thời gian qua khẳng định ASEAN đang ngày càng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể ứng phó với các thách thức, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác