ASEAN ngày càng thống nhất trong vấn đề Biển Đông

(VOV5) - Hoạt động cải tạo đảo và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc thời gian gần đây khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Kể từ khi hiệp hội chuyển mình sang giai đoạn Cộng đồng chung, ASEAN dường như tăng cường nhận thức về vai trò của mình đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông.


ASEAN ngày càng thống nhất trong vấn đề Biển Đông - ảnh 1
Ảnh:baophapluat.vn


Biển Đông giờ đây không còn là vấn đề của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền mà của tất cả các nước có lợi ích tại vùng biển được coi là huyết mạch của khu vực, bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trước những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông, ASEAN dường như đã không còn né tránh.

 

Đoàn kết hơn
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tổ chức tại California tháng 2/2016, tranh chấp lãnh thổ là một chủ đề lớn được đưa ra bàn bạc, nhưng tuyên bố chung đã không nêu tên cụ thể Biển Đông. Hai bên kêu gọi "tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và luật pháp quốc tế". Nhiều chuyên gia phân tích nhận định việc không đề cập tới Trung Quốc trong tuyên bố chung sau Hội nghị cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn trong ASEAN và sự chia rẽ ấy đang phá hủy tinh thần đoàn kết của Hiệp hội. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau, tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở thủ đô Vientiane, Lào ngày 27/2, những quan tâm và tuyên bố của các Bộ trưởng về vấn đề Biển Đông có phần mạnh mẽ hơn. Trong Hội nghị lần này, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nêu cụ thể phương thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông như "mọi tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, trong đó tôn trọng các quy trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực". Đây là lần đầu tiên, một tuyên bố chính thức của ASEAN, ngoài đề cập vấn đề tôn trọng đàm phán ngoại giao hòa bình, có nhắc đến ủng hộ cả biện pháp pháp lý trong tranh chấp chủ quyền. Theo PGS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, đây có thể coi là bước tiến tích cực của ASEAN: “Chúng tôi cho rằng phản ứng như vậy là tích cực. 10 nước ASEAN cùng chung vận mệnh. ASEAN có vị trí quan trọng, không phải chỉ riêng vì kinh tế. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay thì ASEAN cần phát huy vai trò là trung tâm kết nối khu vực và thế giới”.

 

Tuyên bố báo chí của Chủ tịch Hội nghị cũng nêu rõ ASEAN tiếp tục “quan ngại sâu sắc” trước những diễn biến phức tạp của tình hình tại Biển Đông, trong đó có việc “tôn tạo quy mô lớn và sự gia tăng hoạt động gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực”. ASEAN kêu gọi không quân sự hoá và kiềm chế tại vùng biển này. PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng, Viện nghiên cứu Biển Đông, cho rằng: “Cách mô tả về tình hình Biển Đông được nâng lên, thể hiện sự việc diễn ra đang có dấu hiệu leo thang. Những hành động của Trung Quốc đi ngược lại tất cả luật pháp quốc tế hiện hành gồm luật quốc tế, UNCLOS 1982, đi ngược lại các tuyên bố chính trị song phương và đa phương. Đối với các nước trong ASEAN, hành vi của Trung Quốc còn là hành vi của một nước lớn đang lên với các nước láng giềng nhỏ hơn trong tranh chấp lãnh thổ. Hành vi của Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của các nước”.

 

Vấn đề Biển Đông được thảo luận cởi mở và nêu trong tuyên bố báo chí sau Hội nghị cho thấy vai trò Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào là khá cân bằng. Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith cho biết với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ cùng các nước thành viên ASEAN thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN nhằm tiếp tục thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Không chỉ Lào, Singapore cũng đang “vào cuộc” khi nước này đưa ra sáng kiến áp dụng một Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc năm 2016, Singapore còn cam kết tập trung vào việc thúc đẩy COC nhằm giúp các bên tranh chấp xử lý căng thẳng và tránh xung đột.

 

Đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
Thực tế cho thấy những diễn biến gần đây trên Biển Đông là nguồn gốc gây quan ngại nghiêm trọng cho các nước ASEAN vốn có lợi ích lớn trong đảm bảo an toàn và an ninh ở vùng biển này. Hoạt động quân sự hóa tiếp diễn ở vùng biển tranh chấp đang đe dọa ổn định khu vực.

 

Rõ ràng, tranh chấp Biển Đông đang trở thành một trong những quan tâm chính của ASEAN. Nhưng ASEAN cần phải làm gì để có thể góp phần kiểm soát cũng như giải quyết vấn đề này. Hơn lúc nào hết khi ASEAN đã trở thành “1 Cộng đồng chung, 1 vận mệnh chung”, sự đoàn kết của ASEAN càng được ưu tiên hàng đầu. Điều này rất quan trọng để ASEAN có vị trí cầm lái, định hình sự phát triển khu vực cũng như góp phần vào việc xử lý các thách thức toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác