ASEAN và Việt Nam: Viết tiếp câu chuyện thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(VOV5) - Kinh tế toàn cầu và khu vực nói riêng đang chứng kiến nhiều biến chuyển tác động không thuận tới kinh tế của các quốc gia ASEAN. 

Tuy nhiên, bất chấp những tác động cùng các nguy cơ, các chuyên gia kinh tế tại Hội nghị Diễn đàn WEF ASEAN nhận định ASEAN vẫn là một câu chuyện thành công trong việc tìm cơ hội trong thách thức, sẵn sàng nắm bắt những cơ hội dựa trên lợi thế sẵn có để hướng tới tăng trưởng ổn định, bền vững.

Khu vực ASEAN đang là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở rộng quy mô ảnh hưởng, cùng với đó, môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng, mỗi quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam đã có những chương trình lớn để triển khai, nắm bắt xu hướng phù hợp để thích nghi.

ASEAN và Việt Nam: Viết tiếp câu chuyện thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh 2018

Chuẩn bị sẵn sàng để bước vào kỷ nguyên số

Dân số chiếm 640 triệu người, quy mô kinh tế năm 2017 đạt hơn 2.760 tỷ USD, ASEAN giờ đây là nền kinh tế lớn thứ 3 của Châu Á. Các nước trong khu vực đều có mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng câu chuyện thành công thực sự đáng nói là câu chuyện của cả khối ASEAN. Với nền kinh tế Internet và kỹ thuật số đang phát triển, sự tăng nhanh số lượng người dùng Internet, cũng như số lượng người đang và sẽ sử dụng điện thoại thông minh, dân số vừa trẻ, vừa đông, với trình độ học vấn và mức thu nhập trung bình tăng nhanh, CMCN 4.0 chắc chắn là cơ hội lớn đối với các nước ASEAN trong quá trình tận dụng công nghệ mới để phát triển. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng: "Thế giới đang có nhiều chuyển đổi về công nghệ và có các công nghệ kết nối thế giới lại với nhau. Con người cũng sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động và mua bán, tăng cường mở rộng và tích hợp thị trường tốt hơn. ASEAN đang ở trong vị thế rất tốt để tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 này mang lại".

Để có thể tận dụng công nghệ để thành công hơn nữa trong tương lai, thời gian qua, ASEAN đã có sự chuẩn bị cả ở cấp khu vực cũng như từng quốc gia. Cụ thể, ASEAN cũng có các chương trình, quy hoạch chuyên ngành cho hợp tác nền kỹ thuật số trong ASEAN như Quy hoạch tổng thể về Công nghệ thông tin ASEAN đến năm 2020, Chương trình làm việc ASEAN về Thương mại điện tử 2017-2025, Kế hoạch hành động về khoa học, công nghệ và đổi mới ASEAN 2016-2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025…

Ở cấp độ quốc gia, các nước thành viên chú trọng nâng cao năng lực chuẩn bị cho CMCN 4.0 xây dựng chính phủ điện tử, một cửa quốc gia-một cửa ASEAN, sáng kiến kết nối, sáng kiến mạng lưới thành phố thông minh, sáng kiến hòa mạng di động một giá cước ASEAN…

Việt Nam, thành viên ASEAN tích cực trong CMCN 4.0

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 11 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khoảng thời gian ngắn, đạt mức 5% mỗi năm trong vòng 20 năm từ 1996-2016. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này có thể gây ra thay đổi lớn với sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như khu vực và nếu Việt Nam bám sát, tận dụng mọi lợi thế và cơ hội hội nhập thì sẽ rất thành công. Bà Anu Madgavkar, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế của Tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey, cho rằng: "Trong 15 năm qua, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới có nhiều đổi mới về công nghệ, giúp cải thiện về năng suất, tăng tính cạnh tranh. Với nền tảng lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và có thể điều này sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong tương lai".

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức diễn đàn WEF ASEAN 2018 cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp và xã hội chú ý hơn đến Cách mạng 4.0, lôi kéo sự chú ý của thế giới đến ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng, từ đó tạo ra những cơ hội hợp tác mới trong thời gian tới. Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội nhận định: "Tại diễn đàn lần này tôi nghĩ rằng không chỉ phát triển vấn đề về cuộc cách mạng số mà trên hết là sự liên kết hợp tác trong khối ASEAN. Đó là trên nền tảng về công nghệ và dữ liệu nguồn lực dân cư, sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách xây dựng một chính phủ điện tử, xây dựng một cộng đồng ASEAN số hóa. Thêm vào đó là sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công từ khối ASEAN. Đây là nguồn lực rất lớn để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, kêu gọi các làn sóng đầu tư về đổi mới khoa học công nghệ từ các quốc gia tiên tiến".

Hiện, ASEAN đang nghiên cứu về sự sẵn sàng của ASEAN đối với cuộc cách mạng lần thứ 4 để xây dựng phương hướng chính sách phù hợp. Trong đó, một định hướng quan trọng là ASEAN chắc chắn sẽ trao quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, bởi đây là xương sống của nền kinh tế khu vực. Và trên hết, ASEAN đang tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết mà theo như lời của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith tại Diễn đàn lần này thì trong cuộc cách mạng 4.0 này, cả ASEAN đang ngồi chung trên một con thuyền, ASEAN cần chung tay chèo để con thuyền ASEAN cập bến thành công trong điều kiện cạnh tranh mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác