Bảo vệ quyền lợi của lao động di cư ở các nước CLMTV

(VOV5) - Người lao động di cư đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đối với cả quốc gia cung ứng và quốc gia tiếp nhận lao động. 

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, lao động di cư là một phần không thể tách rời giữa các nền kinh tế. Người lao động di cư đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đối với cả quốc gia cung ứng và quốc gia tiếp nhận lao động.

Nhận thức được điều này, các quốc gia thành viên ASEAN nói chung, các nước kém phát triển hơn trong ASEAN (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) nói riêng, ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, cho đây là yếu tố then chốt trong tiến trình xây dựng cộng đồng.

Với đặc điểm địa lý chung đường biên giới và sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, người dân tại các tỉnh dọc biên giới giữa các nước CLMTV không ngừng di cư sang quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm. Nhằm quản lý tốt lao động di cư, đặc biệt lao động di cư qua biên giới giữa các nước CLMTV, với sáng kiến của Chính phủ Thái Lan, Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Hội nghị Quan chức cấp cao về Lao động CLMTV lần thứ nhất đã được tổ chức vào năm 2015. Từ đó, 2 năm/lần, các Bộ trưởng lao động 5 nước Đông Nam Á lại nhóm họp, nhằm trao đổi các chính sách lao động di cư và các vấn đề liên quan như bảo hiểm xã hội, phát triển nguồn nhân lực.

 Tăng cường công tác quản lý lao động di cư

Mặc dù mỗi quốc gia có khung pháp lý, quy phạm pháp luật và điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, nhưng các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam vẫn có nhiều điểm chung có thể hợp tác để bảo vệ quyền lợi cho người lao động di cư, giúp họ được hưởng các lợi ích an sinh xã hội khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác hoặc từ nước này sang nước khác. 

Bảo vệ quyền lợi của lao động di cư ở các nước CLMTV - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam Doãn Mậu Diệp

Vì vậy, sự tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, xây dựng các cơ chế chung để quản lý lao động di cư trong bối cảnh hội nhập giữa các quốc gia trong ASEAN là rất cần thiết. Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động CLMTV lần thứ 3 vừa diễn ra hôm 17/9 tại Siem Reap, Campuchia, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam Doãn Mậu Diệp cho rằng các cơ chế tăng cưnờng công tác bảo trợ người lao động di cư giữa 5 nước CLMTV đã và đang phát huy vai trò tích cực, đặc biệt là tính linh hoạt của các chương trình an sinh xã hội giữa các quốc gia, các chính sách liên thông bảo hiểm xã hội: Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước đã thúc đẩy người dân tại các tỉnh dọc biên giới không ngừng di cư sang các quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm và đa phần trong số họ là lao động phổ thông. Nhằm quản lý tốt lao động di cư, đặc biệt lao động di cư qua biên giới giữa các nước, chủ đề lần này phù hợp với ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đảm bảo việc đóng và hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động di cư trước bối cảnh lao động di cư đang ngày càng gia tăng giữa các nước Campuchia- Lào-Myanma-Thái Lan và Việt Nam.

Bảo vệ quyền lợi của lao động di cư ở các nước CLMTV - ảnh 2 Hội nghị Bộ trưởng Lao động CLMTV lần thứ 3 tại Siem Reap. - Ảnh: VGP

Thời gian qua, nhiều Chính phủ trong khu vực ASEAN, đặc biệt là 5 nước CLMTV đã xây dựng các nền tảng số hóa nhằm quản lý lao động di cư và cung cấp các dịch vụ liên quan tới áp dụng số hóa. Các dịch vụ bao gồm: Đào tạo trước khi xuất cảnh cho người lao động; cấp thẻ thông minh cho người lao động di cư trước khi đi, tại nước đến và sau khi về nước nhằm giúp người lao động tiếp cận bảo hiểm xã hội và các dịch vụ khác.

Ông Doãn Mậu Diệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam Doãn Mậu Diệp khẳng định: Việc sử dụng công nghệ số đang ngày càng phổ biến trên thế giới ở hầu hết các lĩnh vực. Trong lĩnh vực việc làm, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm bền vững, đồng thời giúp thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư. Sử dụng công nghệ số có thể giúp người lao động di cư đưa ra các quyết định nhanh chóng, hiệu quả và giúp hiểu rõ hơn về quyền của mình. Tại Việt Nam, số hóa cũng đã được áp dụng hiệu quả trong công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Việt Nam tích cực hợp tác trong vấn đề bảo vệ lao động di cư

Ước tính, hiện có khoảng 76.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các quốc gia trong CLMTV. Và con số lao động nhập cư từ CLMTV cũng đang gia tăng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có dự thảo về thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường ký kết các Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa các nước, tiến tới ký kết các Hiệp định đa phương; mở rộng các hình thức toán toán để người lao động có thể nhận được lợi ích từ các chế độ an sinh xã hội.

Việc quan tâm, đảm bảo các quyền và lợi ích cơ bản đối với lao động di cư của ASEAN nhằm hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng trong ASEAN. Các nước CLMTV có nhiều điểm tương đồng, do vậy thúc đẩy hợp tác bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư, trong đó quan trọng là giúp họ được hưởng các lợi ích an sinh xã hội khi di chuyển từ nước này sang nước khác, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của ASEAN, đó là xây dựng một Cộng đồng thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác