Bầu cử Tổng thống Afghanistan: không như mong đợi

(VOV5) - Chỉ có khoảng 2,2 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu, chiếm tỷ lệ chưa đến 20%, thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu là 60% của giới chức trách
Bầu cử Tổng thống Afghanistan: không như mong đợi - ảnh 1 Hàng triệu cử tri Afghanistan ngày 28/9 đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này. - Ảnh: Al Jazeera

Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan vòng 1 vừa kết thúc hôm cuối tuần với kết quả không như mong đợi. Chỉ có khoảng 2,2 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu, chiếm tỷ lệ chưa đến 20%, thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu là 60% của giới chức trách. Kết quả này phản ánh một thực tế là cử tri Afghanistan không quan tâm đến cuộc bỏ phiếu vì với họ ai lên nắm quyền thì cũng khó tháo gỡ những bế tắc chính trị, kinh tế ở quốc gia Hồi giáo này.

Bầu cử Tổng thống Afghanistan diễn ra ngày 28/9. Khi quốc gia này đang đắm chìm trong bạo lực và và Mỹ chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình với phiến quân Hồi giáo Taliban, chẳng mấy người dân Afghanistan thực sự quan tâm xem ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Kết quả không như mong đợi  

Đăng ký ban đầu cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan năm nay có hơn 9,6 triệu cử tri. Tuy nhiên việc thực tế chỉ có 2,2 triệu cử tri đi bầu so với 7 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2014, là con số thấp kỷ lục. Theo giới phân tích, tình hình bất ổn, việc lực lượng Taliban cảnh báo người dân không nên tham gia bỏ phiếu được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, vòng bầu cử còn xảy ra một số thiếu sót kỹ thuật xảy ra trong thời gian diễn ra bầu cử, như thiết bị sinh trắc học lấy dấu vân tay không hoạt động, phiếu bầu gửi nhầm địa chỉ.

Trước đó, bạo lực đang bao trùm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống ở Afghanistan. Hàng loạt vụ tấn công gia tăng. Từ ngày 6/8  đến 22/9, hơn 240 người dân và khoảng 40 nhân viên an ninh đã thiệt mạng bởi khủng bố. Giới phân tích từng cho rằng tình hình hiện nay tại Afghanistan không phải là thời điểm thích hợp để bỏ phiếu. Theo cựu Tổng thống Hamid Karzai, tổ chức cuộc bầu cử ở thời điểm hiện tại chẳng khác nào yêu cầu một bệnh nhân tim phải chạy marathon, bởi có thể chọc giận Taliban và khiến tình hình bất ổn trở nên nghiêm trọng.

Theo dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được thông qua trước ngày 19/10 và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào  ngày 7/11. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được hơn một nửa số phiếu, vòng 2 sẽ được tổ chức giữa 2 ứng cử viên giành được số phiếu cao nhất tại vòng 1. Tuy nhiên, với tỷ lệ cử tri đi bầu thấp như hiện nay sẽ phần nào tác động đến kết quả bầu cử.

Bầu cử Tổng thống Afghanistan: không như mong đợi - ảnh 2 Cử tri Afghanistan bỏ phiếu tại điểm bầu cử Tổng thống ở Jalalabad ngày 28-9-2019. - Ảnh: TTXVN

Thách thức vẫn còn đó

Như lần trước, cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ tư kể từ khi Taliban sụp đổ năm 2001 vẫn là cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan (tương đương Thủ tướng) Abdullah Abdullah. 5 năm trước, ông Ghani đã có chiến thắng “thiếu thuyết phục” trước ông Abdullah khi vướng vào bê bối gian lận phiếu bầu. Kết quả này đã tạo ra một tranh giành quyền lực chính trị ác liệt và buộc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải can thiệp, thuyết phục hai nhà lãnh đạo chia sẻ quyền lực.

Ở lần này, kịch bản cũ đang lặp lại, khi căng thẳng giữa hai ứng cứ viên sáng giá một lần nữa nóng lên. Ông Abdullah nhiều lần cáo buộc ông Ghani lợi dụng quyền lực và tiền để mua phiếu bầu, thao túng kết quả bầu cử, trong khi đương kim Tổng thống thì liên tục gạt bỏ các cáo buộc và tự nhận mình trong sạch.

Diễn biến từ cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan cho thấy việc hướng tới một chuyển giao quyền lực một cách hòa bình như mục tiêu mà chính phủ nước này cùng đồng minh Mỹ đề ra vẫn rất khó thực hiện.  

Trải qua nhiều cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng sự đối đầu giữa chính phủ với lực lượng Taliban cũng như mâu thuẫn giữa các phe phái trong chính phủ vẫn không hề thu hẹp.

Điều khiến người dân e ngại hơn là Tổng thống Ghani lẫn ông Abdullah đều không đưa ra được kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình để phát triển kinh tế đất nước. Điều này cho thấy sự lúng túng trong việc hoạch định chương trình hành động cụ thể để giải quyết vấn đề lớn nhất của đất nước. Đó chính là giải quyết xung đột với Taliban - lực lượng Hồi giáo cực đoan kiểm soát 11% dân số Afghanistan.

Vì vậy, với nhiều người dân Afghanistan, kết quả bầu cử Tổng thống không còn quan trọng. Trong tình cảnh bạo lực bao trùm, tính mạng người dân bị đe dọa hàng ngày, mâu thuẫn trong nước phải nhờ nước ngoài giải quyết thì dù ai lên nắm quyền, Afghanistan vẫn chưa thể thoát khỏi viễn cảnh bi quan trước mắt. Và nguy cơ quốc gia Hồi giáo vốn bị chiến tranh tàn phá tiếp tục rơi vào hỗn loạn là điều có thể xảy ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác