Bước chuyển ấn tượng của internet tại Việt Nam

(VOV5) - Ngày 11/2 là Ngày an toàn Internet. Tại Việt Nam, có hơn 78 triệu người sử dụng Internet.  

Dự báo, con số này sẽ sớm đạt mốc 100 triệu người, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tiến trình hội nhập và xây dựng nền kinh tế số.

Hạ tầng Internet ngày càng hiện đại, tốc độ nhanh, bảo mật cao, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, trở thành nền tảng thiết yếu cho chuyển đổi số và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phủ rộng internet ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Data Reportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và YouTube nhiều nhất thế giới thì Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9.  Cụ thể, Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook, 50,6 triệu người dùng TikTok, 63 triệu người dùng YouTube.

Trong khi đó, tỷ lệ hộ sử dụng Internet theo vùng kinh tế - xã hội cho thấy, tỷ lệ này cao nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ (78,3%) và thấp nhất thuộc về vùng Tây Nguyên (46,1%). Trong số 53 dân tộc thiểu số, dân tộc Hoa có tỷ lệ hộ sử dụng Internet cao nhất (83,7%), tiếp  đến là dân tộc Ngái (81,9%) và thấp nhất là dân tộc La Hủ (10,2%).

Cùng với số lượng người dùng lớn, tốc độ Internet Việt Nam cũng liên tục tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của Ookla Speedtest công bố năm ngoái, tốc độ băng rộng cố định và di động tại Việt Nam tăng về cả về kết quả và xếp hạng. Việc cải thiện tốc độ thể hiện sự tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng của nhà mạng trong nước. 

Internet đang bước vào kỷ nguyên thông minh với sự phát triển các công nghệ mới (IPv6, 5G/6G, IoT, AI, Blockchain ...) dẫn tới sự bùng nổ thiết bị kết nối, đòi hỏi nhu cầu chuyển dịch sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Tại Việt Nam, hiện tại, các tiêu chuẩn mới cho IPv6, IPv6 only đã được hoàn thiện, ứng dụng rộng rãi để phát triển Internet thế hệ mới, Internet công nghiệp, IoT, Cloud, 5G, 6G … Việt Nam đi đầu trong chuyển đổi Internet sang thế hệ mới IPv6. Tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam năm 2024 đạt 65.5%, đứng thứ hai ASEAN. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, nhận định: "Xây dựng hạ tầng Internet Việt Nam là lớn hơn nhanh hơn an toàn hơn và phẳng hơn. Chúng ta nhanh chóng chuyển đổi internet sang thế hệ mới IPv6 và Việt Nam được xếp vào những nước tiên phong trong chuyển đổi internet sang IPv6, đứng thứ 7 thế giới liên tục trong 5 năm".

Ngoài ra, theo  Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), hạ tầng lõi Internet tại Việt Nam hoạt động ổn định với hiệu suất SLA (Service level agreement) đạt trên 99,99%. Lượng sự cố về an toàn định tuyến năm ngoái giảm 73% so với năm trước đó.

Phục vụ cho phát triển

Internet là một trong những hạ tầng quan trọng nhất để phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay, hạ tầng Internet đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và công nghệ. 

Hiện nay, Việt Nam hướng tới nền internet lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn và phẳng hơn cùng với đó là thực hiện đồng bộ Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang tạo nhiều điều kiện tạo đà phát triển cho hạ tầng internet, xác định các nội dung chiến lược về thúc đẩy, phát triển tài nguyên internet. Các chương trình, dự án lớn như phát triển mạng 5G, tăng cường kết nối Internet băng rộng, đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin đang được triển khai mạnh mẽ, nhằm giúp đất nước bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu.

Việt Nam hướng tới xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc và mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Cùng với đó là tiếp tục tự chủ về công nghệ, thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu trên không gian mạng, đồng thời dẫn dắt quá trình tích hợp internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Internet tại Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng. Với các chính sách và định hướng đúng đắn, Việt Nam không chỉ xây dựng được một hệ sinh thái Internet mạnh mẽ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên số.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác