Bước khởi đầu cho quá trình hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

(VOV5) - Trong khi Washington tỏ ra thận trọng trước thông báo của Tehran thì nhiều nhà phân tích tin rằng, Iran vẫn ủng hộ việc quay trở lại JCPOA.

Ngày 29/11, tại Vienna, Áo, Iran với 5 cường quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức đã ngồi vào bàn đàm phán sau gần 6 tháng đình trệ, nhằm tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Dù kết quả đạt được còn hết sức khiêm tốn nhưng việc Iran chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán, theo các nhà phân tích, là cử chỉ đầy thiện chí, mở ra một mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai.

Bước khởi đầu cho quá trình hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 1Cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna, Austria ngày 29/11/2021. Ảnh: Phái đoàn EU tại Vienna/ REUTERS

Các cuộc đàm phán vốn bị đình trệ từ tháng 6/2021. Tại vòng đàm phán lần này, các bên tham gia đã nhất trí về những bước đi tiếp theo. Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov trên mạng xã hội Twiter đã nhận định vòng đàm phán đã kết thúc và khởi đầu “một cách thành công”. Đồng quan điểm với đại diện của Nga, Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Ali Bagheri Kani, cũng bày tỏ lạc quan về những cuộc gặp đầu tiên vừa diễn ra. Theo đó, các bên tham dự vòng đàm phán đã nhất trí chương trình nghị sự tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Tehran.

Cơ hội hài hòa lợi ích và lập trường của các bên

Trước khi bước vào vòng đàm phán này, lập trường của các bên còn rất khác nhau. Mấu chốt của vấn đề là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran.

Iran khẳng định nước này có thái độ nghiêm túc trong các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, tuy nhiên quan điểm rõ ràng của Tehran là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ và các quyền và lợi ích của người dân Iran phải được đảm bảo. Cụ thể, Iran đã đưa ra yêu cầu Mỹ giải phóng tài sản 10 tỷ USD của Iran bị đóng băng như một cử chỉ thiện chí ban đầu nếu Mỹ muốn “có một vé” quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra tín hiệu về việc Mỹ muốn trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, trước thềm đàm phán, đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley  cho biết các dấu hiệu từ Iran “không phải là đáng khích lệ." Mỹ gián tiếp tham gia vào cuộc đàm phán, thông qua các cuộc tham vấn riêng với các thành viên khác tham gia JCPOA. Về phía Nga, đại diện nước này đã có các cuộc tham vấn không chính thức nhằm hiểu rõ lập trường của các bên. Quan điểm của Nga là tạo áp lực buộc quá trình đàm phán phải tiến triển sau một thời gian tạm dừng kéo dài.
Bước khởi đầu cho quá trình hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 2Các máy quay được lắp đặt bên ngoài khách sạn Palais Coburg, nơi diễn ra cuộc đàm phán ở Vienna, Austria. Ảnh: Lisi Niesner/ Reuters

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong 6 vòng đàm phán trước tại Vienna, nhưng các bên đã không đạt được mục tiêu chính là khôi phục hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Sự kỳ vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đặt ở vòng đàm phán lần này, trong bối cảnh dư luận lo ngại Iran đang ngấm ngầm đẩy mạnh chương trình hạt nhân và thực hiện cách tiếp cận cứng rắn.

Nhen nhóm cơ hội hồi sinh

JCPOA đã đổ vỡ vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt khiến nền kinh tế của Iran tê liệt. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, ông sẵn sàng quay trở lại JCPOA, miễn là Iran cũng trở lại tuân thủ đầy đủ bằng cách đẩy lùi các hoạt động hạt nhân mà nước này đã thực hiện để đáp trả các lệnh trừng phạt của người tiền nhiệm Donald Trump.

Iran đã tổ chức 6 vòng đàm phán gián tiếp với chính quyền của Tổng thống Joe Biden về việc quay trở lại thỏa thuận năm 2015, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào tháng 6 vừa qua khi ông Ebrahim Raisi, người theo đường lối cứng rắn và chống phương Tây chính thức trở thành Tổng thống mới của Iran. Iran dù tuyên bố họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhưng lại không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào. Bên cạnh đó, việc Iran giảm dần các cam kết tuân thủ JCPOA khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại. Trong bối cảnh này, EU và các cường quốc đã phải vật lộn để vực dậy các cuộc đàm phán đang bị trì hoãn nhằm “hồi sinh” JCPOA.

Trong khi Washington tỏ ra thận trọng trước thông báo của Tehran thì nhiều nhà phân tích tin rằng, Iran vẫn ủng hộ việc quay trở lại JCPOA vì nước này đang rất cần được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và điều đó sẽ không thể đạt được nếu không có sự chấp thuận của Mỹ. Vì vậy, việc Iran chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán là cử chỉ đầy thiện chí, mở ra một mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai. Dù chặng đường Iran quay lại thực thi các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân còn dài nhưng đàm phán được nối lại đã nhen nhóm cơ hội “hồi sinh” thỏa thuận lịch sử này. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác