Các dữ liệu lịch sử mới khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông

(VOV5) - Tại Hội thảo quốc tế về biển Đông, một số học giả quốc tế đã công bố những dữ liệu lịch sử mới khẳng định “Trung Quốc không có chủ quyền trên Biển Đông”.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra mới đây tại Hà Nội. Đây là một kênh trao đổi thông tin quan trọng, chỉ ra được gốc rễ của những tranh chấp ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại, kiểm soát bất đồng, đề cao luật pháp quốc tế với mục tiêu xây dựng Biển Đông hòa bình và ổn định.

Đáng chú ý, tại Hội thảo, một số học giả quốc tế đã công bố những dữ liệu lịch sử mới khẳng định “Trung Quốc không có chủ quyền trên Biển Đông”.

Các dữ liệu lịch sử mới khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông - ảnh 1Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo quốc tế về Biển Đông ‘Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn’ ngày 18-19/11 tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh.

Từ góc độ lịch sử, các chuyên gia quốc tế đã thảo luận thẳng thắn và thực chất về các sự kiện và bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp Biển Đông và ý nghĩa của các dữ kiện lịch sử này với chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Mới đây, nhà nghiên cứu độc lập Trung Quốc ông Carl Zha đã đưa ra quan điểm về một số cái gọi là "bằng chứng lịch sử" của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã hiện diện và tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, quan điểm này ngay lập tức đã bị các học giả quốc tế bác bỏ.

Một số dữ kiện lịch sử mới được công bố tại hội thảo qua quá trình nghiên cứu tài liệu lưu trữ cho thấy cho tới năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này. Trong đó, ghi chép của thiền sư nổi tiếng Trung Quốc Xu Shillun khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn, Việt Nam.

Ông Bill Hayton, Chuyên gia Cao cấp, Chương trình châu Á-Thái Bình Dương, Viện Chatham House, Anh, cho rằng có 2 sự kiện xảy ra trong lịch sử, đã chứng minh rằng Trung Quốc không có chủ quyền rộng lớn trên Biển Đông như Trung Quốc tự tuyên bố. Vụ việc thứ nhất diễn ra vào tháng 9/1884, là một vụ đắm tàu của Nhật Bản ở khu vực Đá Bông Bay (Bombay reef), thuộc nhóm đảo An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa.

Các nhà chức trách Trung Quốc lúc bấy giờ từ chối bồi thường, vì cho rằng vụ đắm tàu này không nằm trong vùng biển của họ. Vụ việc thứ hai là vụ tàu chở đồng Bellona” –của Đức bị đắm ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc nói rằng, vụ việc này cũng không liên quan gì đến họ vì vụ đắm tàu này thuộc vùng biển sâu- nằm xa Trung Quốc.

Các dữ liệu lịch sử mới khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông - ảnh 2Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, từ ngày 18-19/11 tại Hà Nội. Ảnh chụp màn hình. Nguồn: baoquocte.vn

Ông Bill Hayton khẳng định: “Chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa có một chính quyền nào của Trung Quốc từng khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa trước năm 1909. Mặc dù cũng có giao thương diễn ra ở đây, nhưng chưa hề có sự khẳng định chính thức nào về việc Trung Quốc kiểm soát quần đảo cho đến khoảng thế kỷ 19. Trong các vụ việc này, chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm, cũng như những gì liên quan về quần đảo Hoàng Sa.”

Nhà nghiên cứu Bill Hayton cũng tái khẳng định, căn cứ vào những dữ liệu ông có được, Nhà Nguyễn của Việt Nam đã hiện diện ở quần đảo Trường Sa từ nửa đầu thế kỷ thứ 19. Tiếp đó là chính quyền Anh hiện diện ở Trường Sa năm 1870, chính quyền Pháp hiện diện ở Trường Sa năm 1933, còn Trung Quốc chưa từng tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa từ các thế kỷ trước đây cho đến năm 1948, trái ngược hẳn với những  tuyên bố chủ quyền phi lý mà phía Trung Quốc đưa ra.

Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Hải Đăng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, khẳng định, ở giai đoạn năm 1950 ở thế kỷ trước, chính quyền thực dân Pháp và sau đó là chính quyền Việt Nam Cộng hòa đều kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam là nước đầu tiên tuyên bố chủ quyền và là nước duy nhất liên tục quản lý Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế: “Việt Nam đã khẳng định chủ quyền với hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khoảng thế kỷ 15. Vào thời điểm đó, hàng năm, Chúa Nguyễn đã cho khai thác tài nguyên, và xây dựng các công trình trên các quần đảo này. Sau đó, các vị vua của Việt nam cũng đã bảo vệ an toàn cho các tàu qua đây khỏi bão và đánh thuế các tàu này.

Các hoạt động này đã được ghi lại trong văn bản chính thức của Việt Nam. Sau đó, người Pháp xâm lược Việt Nam và cũng bắt đầu xây dựng các công trình trên đảo.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, Việt Nam tiếp tục tái lập chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Khi Trung Quốc có ý định tới chiếm đóng hai quần đảo, Việt Nam cũng đã chiến đấu chống lại.

Và khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã trình vấn đề này lên Hội đồng Liên hợp quốc. Khi Việt Nam thống nhất, chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng các công trình, gìn giữ hòa bình và khẳng định chủ quyền tại đây. Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều trường học, nhà ở, chùa chiền, và nhiều trẻ nhỏ cũng đã sinh ra tại đây”.

Tại phiên thảo luận “Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông”, Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau của Đại học Diderot Paris, Pháp cho biết Hiệp ước San Francisco năm 1951 hay Hòa ước Trung - Nhật năm 1952 đều không đề cập tới việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, các bản Hiệp ước này đều công nhận những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Rõ ràng, những dữ liệu lịch sử mới này có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm sáng tỏ sự thật lịch sử, là cơ sở để các bên cùng chung sức xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác