Cải cách để tận dụng được các cơ hội từ EVFTA

(VOV5) - Hiệp định EVFTA là động lực để cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp cùng cải cách mạnh mẽ nhằm tận dụng tối đa lợi ích mà hiệp định mang lại.

Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Sự kiện này được ví như con đường cao tốc thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức thông tuyến với  99% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho cả hai bên theo lộ trình. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội từ EVFTA, đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần cải cách thể chế mạnh mẽ, cùng với đó là sự chủ động từ phía doanh nghiệp.

Cải cách để tận dụng được các cơ hội từ EVFTA - ảnh 1

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều cơ hội lớn từ EVFTA từ ngày 1/8. - Ảnh: VOV

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (thời điểm trước khi có dịch covid-19 xuất hiện) cho thấy, trong 5 năm đầu thực hiện, Hiệp định EVFTA có thể giúp nền kinh tế tăng thêm khoảng từ 2,18 - 3,25%, tức là xung quanh 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA trước đây mà Việt Nam đã tham gia. Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn nhờ EVFTA có hiệu lực.

Cải cách thể chế

Hiệp định EVFTA là động lực để cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp cùng cải cách mạnh mẽ nhằm tận dụng tối đa lợi ích mà hiệp định mang lại. Về phía cơ quan quản lý, nhiều chuyên gia đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, yếu tố quyết định nằm ở quyết tâm cải cách thể chế để thực thi chủ động, hiệu quả Hiệp định EVFTA: “Tôi nghĩ rằng để hiệp định EVFTA hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, yếu tố quyết định thành công chính là ở sự đổi mới thể chế trong nước. Chỉ có những đổi mới thể chế mạnh mẽ hơn để giúp nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp thì mới tạo ưu thế cạnh tranh trong thương trường toàn cầu. Trong quá trình đó, cải cách thể chế là yêu cầu quan trọng nhất. Nếu chất lượng thể chế không cao thì chúng ta sẽ m chỉ dừng lại ở khâu gia công lắp ráp và chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng không lớn …”

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện thể chế và thị trường nông nghiệp, thì cho rằng phải có các quy định để hình thành được chuỗi liên kết đủ tiêu chuẩn từ sản xuất đến thị trường, giúp cho hàng Việt có thể đứng vững trên chính sân nhà. TS Đặng Kim Sơn nêu quan điểm:”Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng lại toàn bộ hoặc ít nhất là các mặt hàng chiến lược của chúng ta, những mặt hàng tỷ USD, chúng ta phải xây dựng được các chuỗi giá trị…”; “thành bại của chúng ta là vấn đề thể chế, chúng ta có vượt qua được thể chế hay không, xây dựng được các hiệp hội mạnh không, xây dựng được các hợp tác xã mạnh hay không, xây dựng được chuỗi giá trị mạnh hay không là yếu tố quyết định thắng lợi trong việc tận dụng cơ hội này.”

Doanh nghiệp phải chủ động

Đối với doanh nghiệp, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình (Giám đốc Economica Vietnam) cho rằng: “Khi tham gia EVFTA, chúng ta sẽ phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, về chất lượng, về môi trường cao hơn rất nhiều so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia trước đây, đặc biệt là những vấn đề như quy tắc xuất xứ, dán nhãn, quy định về mặt môi trường… Như vậy thì tất cả các tác nhân trong nền kinh tế của Việt Nam, phải nắm được những quy định này để có thể tránh được những rủi ro. Bên cạnh đó, hàng hóa của chúng ta có thể dễ bị/chịu những vụ kiện về chống phá giá, rồi những vụ kiện về tranh chấp thương mại.”

Cải cách để tận dụng được các cơ hội từ EVFTA - ảnh 2

: Hiệp định EVFTA mang lại lợi ích tương đối cân bằng giữa Việt Nam và EU. - Nguồn: VOV

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩ đây là thời cơ mà các hiệp hội của chúng ta cần ngồi lại với nhau và kết hợp với các ngân hàng, các doanh nghiệp để tăng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp Việt Nam.”

Đối với một nền kinh tế có quy mô tương đối nhỏ như Việt Nam, muốn phát triển đất nước không thể chỉ dựa vào nội lực mà còn rất cần tận dụng một cách hiệu quả các cơ hội thương mại và đầu tư cấp khu vực và quốc tế. Việc Việt Nam chấp nhận tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh đạt chuẩn mực của thông lệ quốc tế cũng như việc doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới để phát triển sẽ giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả nhất Hiệp định thương mại đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác