Căng thẳng gia tăng trên chính trường Mỹ trước ngày chuyển giao quyền lực

(VOV5) - Trước khi đi đến quyết định luận tội Tổng thống Trump, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua quyết định kêu gọi Phó Tổng thống Mile Pence  kích hoạt Tu chính án thứ 25.

Trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/1, bầu không khí tại chính trường Mỹ trở nên đặc biệt căng thẳng, nhất là sau khi Hạ viện biểu quyết thông qua điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump hôm 13/1 (tức ngày 14/1 giờ Việt Nam), mở đường cho phiên tòa xét xử Tổng thống Trump tại Thượng viện trong thời gian tới.

Với bước đi này, phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đang hiện thực hóa quyết tâm phế truất Tổng thống Trump với cáo buộc kích động bạo loạn chống chính phủ liên quan đến cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra trụ sở Quốc hội ngày 6/1 vừa qua.

Động thái của Hạ viện Mỹ được tiến hành chỉ một tuần trước thời điểm chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/1, biến những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump trở nên cực kỳ nặng nề.

Căng thẳng gia tăng trên chính trường Mỹ trước ngày chuyển giao quyền lực - ảnh 1Phiên họp thảo luận và bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ. Ảnh: C-Span

 Áp lực đè nặng lên Tổng thống Trump

Với quyết định của Hạ viện, ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội 2 lần trong một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, khác với lần luận tội thứ nhất năm 2019 liên quan đến cáo buộc gây áp lực với Tổng thống Ukraine và Tổng thống Donald Trump đã vượt qua khá dễ dàng dễ dàng khi chỉ có một Thượng nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ nỗ lực này, trong lần luận tội thứ hai, ông Trump phải đối mặt với áp lực lớn hơn rất nhiều khi có ít nhất 10 Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại ông.

Trước khi đi đến quyết định luận tội Tổng thống Trump, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua quyết định kêu gọi Phó Tổng thống Mile Pence  kích hoạt Tu chính án thứ 25 nhằm phế truất Tổng thống Donald Trump. Nội dung Tu chính án thứ 25 cho phép loại bỏ Tổng thống, nếu Phó Tổng thống và đa số Nội các tuyên bố Tổng thống không còn đủ khả năng đảm nhận chức vụ.

Phe Dân chủ cáo buộc Tổng thống Donald Trump kích động biểu tình khi kêu gọi những người ủng hộ tiến về phía Đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ, trong lúc lưỡng viện đang tiến hành phiên họp chung nhằm kiểm đếm phiếu bầu của đại cử tri ngày 6/1. Nhiều người biểu tình quá khích đã xông vào bên trong phòng họp Quốc hội, làm gián đoạn tiến trình kiểm đếm phiếu và gây ra cảnh hỗn loạn được mô tả là chưa từng có tại trụ sở cơ quan lập pháp Mỹ trong hơn 200 năm qua.

Ngày 11/1, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy cho biết Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận "một số trách nhiệm" về vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Lời thừa nhận được Tổng thống Trump đưa ra trong một cuộc điện đàm dài 30 phút với ông McCarthy.

Căng thẳng gia tăng trên chính trường Mỹ trước ngày chuyển giao quyền lực - ảnh 2Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: CNN

Lối thoát

Theo nhiều nhà phân tích, bị điều tra luận tội là một đòn nặng nề với Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục tại nhiệm cho tới ngày 20/1, tức hoàn thành đầy đủ nhiệm kỳ Tổng thống theo quy định Hiến pháp. Lý do là bởi nhiều nghị sỹ thuộc cả hai viện Quốc hội Mỹ đều có chung nhận định rằng, việc tiến hành phiên tòa luận tội ông Trump tại Thượng viện chỉ có thể được tiến hành sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã tuyên bố sẽ không không kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump. Lời khẳng định được ông Pence đưa ra trong bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 12/1.

Thực tế này cho thấy, khả năng rất cao là ông Trump sẽ chỉ bị luận tội sau khi mãn nhiệm Tổng thống. Bên cạnh đó, cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn việc luận tội sẽ có kết quả bất lợi với ông Trump. Bởi lẽ, để đi đến kết luận ông Trump có tội, Thượng viện Mỹ cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 số Thượng nghị sỹ, đồng nghĩa với việc phe Dân chủ phải thuyết phục được ít nhất 17 Thượng nghĩ sỹ phe Cộng hòa bỏ phiếu chống lại ông Trump.

Đây được coi là kịch bản khó xảy ra vì căn cứ thái độ của Thượng nghị sỹ cấp cao nhất của đảng Cộng hòa Mitch McConnell, thì chỉ có một hoặc hai Thượng nghị sỹ Cộng hòa sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm ông Trump. Thượng nghị sỹ McConnell hôm 13/1 cho biết vẫn chưa quyết định có bỏ phiếu chống lại Tổng thống Trump hay không, mặc dù một số cộng sự của ông này tiết lộ rằng ông McConnell đã thể hiện sự “hài lòng” với việc đảng Dân chủ xem xét bãi nhiệm Tổng thống Trump. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngay cả khi vượt qua cuộc luận tội lần này, sự nghiệp chính trị của ông Donald Trump cũng khó có thể lấy lại được hào quang như mấy năm trước. Cũng có nghĩa là tham vọng tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 của ông Donald Trump sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác