Chất vấn nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phát triển đất nước

(VOV5) - Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn.

Chiều 07/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày. Đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội Việt Nam, là nội dung thu hút sự chú ý lớn của dư luận tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, Chính phủ, các bộ, ngành làm rõ nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm, tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước.

Chất vấn nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phát triển đất nước - ảnh 1(Từ trái): Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc,Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đại diện trả lời 4 nhóm vấn đề. Nguồn: VOV

Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này gồm: tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ phát biểu, giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Lựa chọn kỹ những vấn đề để chất vấn

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm. Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp các đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội; phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; những vấn đề nổi lên qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, bảo đảm sát thực nhất với tình hình thực tiễn, với mong muốn, nguyện vọng và những vấn đề cử tri, nhân dân đang quan tâm. Những vấn đề đưa ra chất vấn lần này không chỉ có ý nghĩa, tác động trực tiếp trong điều kiện đất nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng mà còn đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế trong dài hạn:Việc chất vấn sẽ phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng, hơi thở cuộc sống và những vấn đề mà xã hội quan tâm, đại biểu quan tâm. Theo quy định pháp luật, nội dung chất vấn được gửi xin ý kiến các cơ quan, đặc biệt xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Thứ hai là phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi tổng hợp hết, lại bắt đầu xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để xem xét, lựa chọn. Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc đánh giá các góc độ để bỏ phiếu chọn ra mấy vấn đề.

Góp phần tạo những chuyển biến tích cực cho phát triển

Cử tri và nhân dân chờ đợi các phiên chất vấn không chỉ vì qua đó họ thấy được đại biểu Quốc hội và các "tư lệnh ngành" đối đáp trực diện với nhau thế nào mà quan trọng hơn là vấn đề họ quan tâm sẽ được xử lý ra sao?.

Chất vấn nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phát triển đất nước - ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Nhìn vào hàng chục vấn đề cụ thể trong 4 nhóm vấn đề lớn được chọn để chất vấn, có thể thấy, có đủ từ cả độ khái quát lẫn cụ thể, cả cấp thiết lẫn lâu dài, mức độ có thể khác nhau, nhưng đều đã và đang rất được quan tâm  cả ở nghị trường và cuộc sống. Có thể kể đến như: giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (dành cho cả Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Đó là các vấn đề của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi thao túng, làm giá, đưa thông tin không chính xác ảnh hưởng đến thị trường. Nóng không kém là các  chất vấn dành cho vị trưởng ngành duy nhất không phải đại biểu Quốc hội đương nhiệm: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp... đều là những vấn đề được đại biểu và cử tri dành sự quan tâm đặc biệt.

Để làm rõ những nội dung chất vấn, cùng với 4 vị tư lệnh ngành đăng đàn chính thức, còn nhiều thành viên Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ như Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an, Tổng thanh tra Chính phủ, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chánh án Tòa án Nhân dân  tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tất cả những điều này chính là cụ thể hóa khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3: “Quốc hội dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đề nghị các vị đại biểu tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, làm rõ thực trạng vấn đề, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước”.

Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước. Với tâm thế như vậy, cử tri tin rằng 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này sẽ được các đại biểu tận dụng tối đa để đạt hiệu quả cao nhất.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác