Chính phủ Việt Nam quyết liệt chống dịch Covid-19 và nỗ lực cứu chữa bệnh nhân

(VOV5) - "Cần phát hiện, điều trị sớm ca bệnh và cá thể hóa từng bệnh nhân để có biện pháp điều trị phù hợp".

Việt Nam bắt đầu thời kỳ cao điểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 khi số bệnh nhân, người tử vong, địa phương có ca nhiễm đang tăng. Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, đưa ra giải pháp, yêu cầu tốt nhất để phục vụ công tác phòng chống dịch kịp thời. Cùng với đó, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, vật lực để công tác phòng chống dịch tốt nhất, nhất là những trung tâm dịch được xác định là Đà Nẵng, tiếp theo là Quảng Nam.

Chính phủ Việt Nam quyết liệt chống dịch Covid-19 và nỗ lực cứu chữa bệnh nhân - ảnh 1

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy trước giờ đến Đà Nẵng - Ảnh: Bộ Y tế

Covid-19 từng được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm đối với những cơ thể có bệnh lý nền. Do đó, từ cuối tháng 7/2020, sau khi phát hiện ổ dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, Chỉnh phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hết sức quyết liệt.

Tập trung nguồn lực tối đa hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch

Bộ Y tế đã cử các chuyên gia hồi sức cấp cứu và tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và ê-kip y, bác sĩ (từng điều trị thành công cho bệnh nhân 91- phi công người Anh) của Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh vào tâm dịch hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.

Đặc biệt, sau khi ghi nhận 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày 13/8, Bộ Y tế cử thêm 3 chuyên gia đầu ngành về điều trị tích cực, truyền nhiễm và tim mạch vào miền Trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài việc cùng các thầy thuốc vùng dịch điều trị cho những bệnh nhân nặng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chỉ đạo thầy thuốc các chuyên khoa duy trì hội chẩn trực tuyến từ xa giúp các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh không thể để Covid-19 hoành hành trong những cộng đồng sức khỏe yếu như tại bệnh viện; cần phát hiện, điều trị sớm ca bệnh và cá thể hóa từng bệnh nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.               

Theo Thứ trưởng: "Phác đồ điều trị đã được chủng tôi điều chỉnh 6 lần. Phác đồ là 1 khung điều trị. Đối với mỗi người bệnh, bệnh nhân Covid-19, bên cạnh việc hội chẩn, làm việc theo nhóm của các chuyên gia hồi sức tại chỗ, chúng tôi cũng luôn tổ chức hội chẩn quốc gia trực tuyến giữa các đơn vị điều trị Covid-19 và tổ chuyên môn của Ủy ban điều trị với các chuyên gia đầu ngành, nhân viên y tế, mọi nguồn lực cần thiết sẽ được tập trung để cứu chữa những bệnh nhân nặng hiện nay".

Nỗ lực vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa hạn chế các trường hợp tử vong

Trong giai đoạn 2 của tình hình dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, người dân đã có sự bình tĩnh hơn trong đợt dịch lần này. Để tránh tình trạng dịch lây lan, nhất là từ các bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành y tế xây dựng quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19. Thủ tướng cho rằng có thể rút ra một số công thức tốt trong chống dịch là “phát hiện-phát hiện nhanh, cách ly-cách ly nhanh, xét nghiêm-xét nghiệm rộng và nhanh”.  

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine, lập hồ sơ điện tử bệnh nhân, đặc biệt là lập phác đồ điều trị hiệu quả, nhất là đối với các bệnh nhân nặng để hạn chế tử vong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp… phải kiểm tra xử lý ngay. Đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách đối với các đối tượng có nguy cơ cao, người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, người có bệnh lý mãn tính… Đây là giãn cách xã hội đối với cá nhân người đó để tránh lây nhiễm và rủi ro".

Tuần cao điểm của làn sóng dịch Covid-19 giai đoạn 2 được xác định là những ngày tới, do đó Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan đang đồng tâm hiệp lực xây dựng phương án phòng chống dịch trong cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Cùng với đó, thực hiện phác đồ điều trị tích cực cho những bệnh nặng nhân mắc Covid-19, giảm thiểu số người tử vong.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác