Chuyến công du trấn an đồng minh châu Âu

(VOV5) - Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vừa có chuyến công du châu Âu đầu tiên trên cương vị mới trong bối cảnh châu Âu cảm thấy bất an trước những phát ngôn mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên sóng gió đã tạm yên khi kết quả chuyến thăm phần nào làm rõ lập trường châu Âu vẫn là "đối tác không thể thiếu" của Mỹ, xóa đi những nghi ngờ của châu Âu về chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Donald Trump.          
                  

Chuyến công du trấn an đồng minh châu Âu - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 27/1. AFP/TTXVN


Bất đồng trong quan hệ giữa EU, NATO với Mỹ thực sự gay gắt sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra những phát ngôn hồi tháng 1/2017 rằng NATO đã trở nên lỗi thời và các nước châu Âu không chịu gánh phần chi phí cho khối. Ông Donald Trump cũng chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel vì chính sách nhập cư quá thoáng, khiến nhiều nước châu Âu phải đối mặt với nguy cơ khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đáng chú ý, ông Donald Trump cho rằng "Brexit là một điều tuyệt vời" và một thỏa thuận thương mại Liên minh châu Âu - Anh sẽ "tốt cho cả hai phía". Những phát ngôn của ông Donald Trump gặp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều nước thuộc EU, khiến châu Âu lo ngại về cam kết của Mỹ trong khu vực.

 

Trước đó, trong thời gian tranh cử Tổng thống, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc nhiều nước NATO không đóng góp đủ mức chi tiêu quân sự như cam kết, trong khi Mỹ đóng góp quá nhiều cho liên minh này. Ông  thậm chí còn đe dọa xem xét lại mối quan hệ giữa Mỹ với khối này.

 

EU là đối tác không thể thiếu của Mỹ


Phó Tổng thống Mike Pence là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Donald Trump công du châu Âu tính tới thời điểm này. Tháp tùng ông Pence là 3 Bộ trưởng chủ chốt : Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rex Tillerson; Bộ trưởng Bộ quốc phòng James Mattis; Bộ trưởng an ninh nội địa John Kelly.


Trong chuyến công du này, Phó Tổng thống Mike Pence tham dự Hội nghị an ninh ở Munich (Đức), tiếp đó là tới Brussels (Bỉ), nơi có trụ sở của Liên minh châu Âu, và NATO. Việc khẳng định lập trường EU là đối tác không thể thiếu của Mỹ được Phó Tổng thống Mỹ bày tỏ thẳng thắn trên diễn đàn của Hội nghị An ninh Munich cũng như trong tất cả các cuộc hội đàm, gặp gỡ lãnh đạo Liên minh châu Âu. Ông nêu rõ Mỹ coi trọng và tiếp tục duy trì các cam kết bảo đảm an ninh trước đây với Châu Âu. Mỹ sẽ chia sẻ với châu Âu các giá trị tự do, dân chủ, công bằng và pháp quyền. Phó Tổng thống Mỹ không quên nhấn mạnh dù còn những bất đồng nhưng hai bên đã có chung một di sản, chung các giá trị và hơn tất cả là có cùng ý chí thúc đẩy nền hòa bình và sự thịnh vượng của cả hai bờ Đại Tây Dương. Với khẳng định “số phận của Mỹ và châu Âu luôn song hành cùng nhau, khó khăn của châu Âu cũng là khó khăn của Mỹ”, Washington đã giúp các nước châu Âu tham gia hội nghị Munich bớt lo ngại hơn.

 

Trong khi đó, đề cập mối quan hệ với NATO, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nhấn mạnh cam kết không gì lay chuyển được của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Ông Mike Pence đánh giá tổ chức này là nhân tố đảm bảo cho một thế giới an toàn hơn và đóng vai trò quan trọng cho nền hòa bình và sự thịnh vượng của thế giới.

 

Không chỉ là những cam kết ủng hộ NATO, Phó Tổng thống Mỹ Pence cũng mang theo những thông điệp nhằm vào Nga, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu lo ngại Mỹ có thể nới lỏng lập trường với Nga. Ông Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vấn đề Ukraine, yêu cầu Nga phải tôn trọng Thỏa thuận hòa bình Minsk và chấm dứt tình trạng bạo lực ở miền Đông Ukraine.

 

Phản ứng từ châu Âu

 

Tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với NATO và châu Âu của ông Mike Pence phần nào làm lãnh đạo các nước châu Âu hài lòng. Đáp lại lời kêu gọi của Mỹ về việc các đồng minh cần có sự chia sẻ công bằng trong việc gánh vác trách nhiệm chung của NATO, tại Hội nghị an ninh Munich, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Chính phủ nước này sẽ làm mọi điều có thể để đáp ứng mục tiêu chi tiêu 2% tổng sản lượng kinh tế cho quốc phòng đến năm 2024. Bà Merkel cũng kêu gọi các nước cùng nhau đối phó với những mối đe dọa toàn cầu và cho rằng châu Âu vẫn cần đến Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

 

Tuy khá hài lòng với lập trường của Mỹ về châu Âu và NATO song nhiều quan chức châu Âu vẫn không quên nhấn mạnh Mỹ phải thực hiện cam kết đã tuyên bố. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng cả Mỹ và châu Âu cần thực hiện những gì mình đã cam kết, đồng thời nhấn mạnh về một thực tế rằng thế giới sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ nếu châu Âu bị chia rẽ. Ông Tusk cũng lấy làm tiếc vì đã có quá nhiều điều xảy ra trong vài tháng qua để có thể cho rằng mọi việc vẫn tốt đẹp như nó vốn có."  Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố nước Mỹ cần đến một châu Âu mạnh và thống nhất trên tất cả các vấn đề, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Ông Juncker đặc biệt nhấn mạnh hiện không phải là thời điểm để chia rẽ châu Âu.

 

Các nước châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương từng rất trông đợi chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, nay đã có thể yên tâm hơn về chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Tuy chưa thể khôi phục hoàn toàn mối quan hệ tốt đẹp như trước đây, song Mỹ và EU đã phần nào xích lại gần nhau hơn, từng bước hiện thực hóa cam kết đối tác không thể thiếu của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác