Cộng đồng quốc tế nỗ lực giải quyết vấn đề Afghanistan

(VOV5) - Ngày 28/9, Taliban tuyên bố đã thông qua Hiến pháp tạm thời năm 1964, trong đó có nội dung trao quyền cho phụ nữ. 

Một tháng rưỡi sau khi Taliban trở lại nắm quyền, đất nước Afghanistan vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng cả về an ninh và an sinh-xã hội. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục thực hiện nhiều nỗ lực để trợ giúp người dân quốc gia Nam Á vượt qua khó khăn.

Cộng đồng quốc tế nỗ lực giải quyết vấn đề Afghanistan - ảnh 1Trẻ em tị nạn tại cửa khẩu biên giới Afghanistan - Pakistan, ở Chaman, tây nam Pakistan, ngày 27-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, thách thức lớn nhất mà cộng đồng quốc tế cần tiếp tục tập trung trợ giúp Afghanistan vượt qua trong giai đoạn hiện nay là ngăn chặn xảy ra thảm họa nhân đạo và khả năng sụp đổ hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, cần tiếp tục gây sức ép để buộc Taliban thực hiện hòa giải dân tộc và đảm bảo quyền con người, đặc biệt là nữ quyền.

Cộng đồng quốc tế nỗ lực giải quyết vấn đề Afghanistan - ảnh 2 Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: TTXVN
Ngăn chặn thảm họa nhân đạo và nguy cơ sụp đổ hệ thống tài chính

Các đánh giá mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, tình trạng thiếu lương thực tại Afghanistan đang diễn biến biến ngày càng nghiêm trọng hơn. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cảnh báo, khoảng 1/3 trong tổng số 33 triệu dân Afghanistan đang đối mặt nạn đói. Còn theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP), hiện chỉ có 5% dân số Afghanistan được ăn đủ ba bữa chất lượng mỗi ngày. Trong khoảng nửa tháng qua, một nửa dân số Afghanistan không có nổi một bữa ăn tối thiểu trong ngày.

Không chỉ có vậy, hệ thống y tế quốc gia Nam Á cũng đang trong tình trạng quá tải và thiếu thốn nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, hàng trăm nghìn người Afghanistan thuộc nhóm dễ bị tổn thương không thể tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, ngân khố quốc gia của Afghanistan cũng gần như trống rỗng, hệ thống tài chính đối mặt nguy cơ sụp đổ cận kề.   

Trước thực trạng báo động này, cộng đồng quốc tế tiếp tục có nhiều nỗ lực để cứu vãn tình hình. Liên hợp quốc mới đây tuyên bố trích 45 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF) để giúp Afghanistan đối phó với tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế và nhiên liệu. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết tăng cường viện trợ và sẽ sát cánh cùng người dân của quốc gia Nam Á này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, trước mắt, EU sẽ viện trợ nhân đạo bổ sung 100 triệu euro cho người dân Afghanistan. Về phần mình, chính quyền Mỹ cũng quyết định cấp phép cho một số giao dịch với Taliban để mở đường cho dòng viện trợ tới được Afghanistan. Mỹ hiện đang phong tỏa khoảng 9 tỷ USD tiền của Afghanistan.

Các tổ chức quốc tế như WHO, WFP, UNFPA đang tích cực vận động ủng hộ tài chính, lương thực, thuốc men và vật tư y tế giúp người dân Afghanistan vượt qua khó khăn, nhất là trong mùa đông khắc nghiệp tới đây.

Thúc đẩy hòa giải và đảm bảo nữ quyền

Song song với nỗ lực cứu trợ nhân đạo, cộng đồng quốc tế cũng đang tập trung thúc đẩy tiến trình hòa giải và việc đảm bảo quyền con người tại Afghanistan, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Có nhiều bằng chứng cho thấy Chính quyền Taliban “nói không đi đôi với làm”, đang không thực hiện cam kết và cũng là yêu cầu của cộng đồng quốc tế đối với tổ chức này là thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc và tôn trọng nữ quyền. Thành phần Chính phủ lâm thời mà Taliban công bố mới đây không có các đại diện ngoài Taliban, cũng không có phụ nữ.

Ngày 28/9, Taliban tuyên bố đã thông qua Hiến pháp tạm thời năm 1964, trong đó có nội dung trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp của Taliban Mawlavi là Abdul Hakim Sharaee đã ngay lập tức cảnh báo rằng: bất cứ điểm nào trong bản hiến pháp này bị phát hiện xung đột với luật Sharia và những quy tắc của Taliban, sẽ bị loại bỏ.

Trong một tuyên bố hôm 26/9, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nhấn mạnh rằng chưa nên công nhận Chính phủ của Taliban vì trong số các bộ trưởng có 17 đối tượng khủng bố, trong khi quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái liên tục bị vi phạm. Italy đang là chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhóm này có kế hoạch tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về vấn đề Afghanistan ngay trong tháng 9 này. Trước đó hôm 25/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định rằng sự công nhận quốc tế đối với Taliban chưa được xem xét.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo nhiều quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề công nhận của cộng đồng quốc tế là biện pháp duy nhất để gây sức ép, buộc Taliban phải thực hiện hòa giải và tôn trọng các quyền cơ bản, nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác