Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(VOV5) -Đồng bào Khmer là một cộng đồng trong 54 dân tộc anh em, với dân số hiện nay khoảng 1,3 triệu người sống tập trung đông nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có nhiều buổi gặp mặt đồng bào Khmer tại 4 tỉnh, thành phố Nam Bộ nhân Tết Chol Chnam Thmay.

Tại các sự kiện này, lãnh đạo Chính phủ đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của đồng bào Khmer trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời bày tỏ mong muốn đồng bào Khmer sẽ tiếp tục đóng góp công sức vì sự phồn vinh của cả dân tộc. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Việt Nam đối với đồng bào Khmer nói riêng và các tôn giáo nói chung, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 1Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh minh họa/tapchimattran.vn

Việt Nam là quốc gia thống nhất, đa dân tộc. Đồng bào Khmer là một cộng đồng trong 54 dân tộc anh em, với dân số hiện nay khoảng 1,3 triệu người sống tập trung đông nhất tại 9 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Sự quan tâm đặc biệt

Các buổi gặp mặt, chúc Tết Chol Chnam Thmay của lãnh đạo Chính phủ quy tụ sự tham dự của các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, gia đình chính sách, học sinh, sinh viên tiêu biểu là dân tộc Khmer của các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ. Không chỉ diễn ra ở các hội trường lớn, các buổi gặp mặt còn diễn ra ở các cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo Phật giáo Nam tông Khmer. Điều này cho thấy sự quan tâm toàn diện, sâu sát của lãnh đạo Chính phủ tới đồng bào Khmer nói riêng và đồng bào các tôn giáo khác nói chung.

Không chỉ quan tâm tới dịp Tết quan trọng nhất của đồng bào Khmer, trên bình diện chung, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc, tôn giáo, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer. Điều này thể hiện ở việc Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án lớn; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giúp đỡ chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer tu học.

Trước những khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, Chính phủ đã ban hành và triển khai Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này giúp bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới và phát triển. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Và nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xem xét về việc mở rộng quy mô đào tạo của Học viện phật giáo Nam tông Khmer (tại Cần Thơ).  

Kêu gọi đồng lòng vì sự phát triển của đất nước

Tại các buổi gặp mặt, lãnh đạo Chính phủ đều đánh giá cao đóng góp của đồng bào Khmer đối với sự phát triển của đất nước. Cụ thể như đồng bào đã  nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, và cùng chung sức đồng lòng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lãnh đạo Chính phủ cũng kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các vị chư tăng Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực vươn lên để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, luôn tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính, làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.

Đồng bào Khmer là một phần quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự quan tâm thiết thực hiệu quả và toàn diện của chính phủ đối với đồng bào Khmer sẽ là động lực để đồng bào tiếp tục phấn đấu đạt được những thành tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở để củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác