Đằng sau quyết định của Mỹ ủng hộ xây dựng các khu định cư Do Thái

(VOV5) - Các khu định cư Do Thái từ lâu luôn là trở ngại lớn trong quan hệ Israel và Palestine, cũng như các nỗ lực thúc đẩy hòa bình. 

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây, không chỉ làm xói mòn triển vọng giải pháp 2 nhà nước, mà còn là bước lùi cho nền hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Nhà Trắng biết rõ những tác động tiêu cực này, song vẫn làm vì những toan tính riêng. 

Đằng sau quyết định của Mỹ ủng hộ xây dựng các khu định cư Do Thái - ảnh 1Toàn cảnh khu định cư Kiryat Arba của Israel tại Hebron, Bờ Tây, ngày 11-9-2018. (Ảnh: Reuters) 

Các khu định cư Do Thái từ lâu luôn là trở ngại lớn trong quan hệ Israel và Palestine, cũng như các nỗ lực thúc đẩy hòa bình. Theo các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các khu định cư Do Thái là bất hợp pháp vì vi phạm công ước Geneva thứ 4 về việc cấm nước chiếm đóng đưa dân cư của mình tới khu vực bị chiếm đóng. 

Nguyên nhân sâu xa

Thứ nhất, phải khẳng định tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây không phải là quyết định nhất thời của chính quyền Mỹ bởi Bộ ngoại giao nước này đã phối hợp với Nhóm hòa bình Nhà Trắng, do con rể Tổng thống Donald Trump Jared Kushner dẫn đầu, làm việc trong gần 1 năm qua để đi đến tuyên bố trên. Khác chăng là nó được đưa ra vào đúng thời điểm chính trường Mỹ đang sôi sục với vụ luận tội Tổng thống và ông Trump có vẻ yếu thế trong vụ lùm xùm này. Trong tình cảnh ấy, mọi hành động đối ngoại được cho là có tác động đánh lạc hướng dư luận, làm giảm áp lực dư luận lên Tổng thống.

Đằng sau quyết định của Mỹ ủng hộ xây dựng các khu định cư Do Thái - ảnh 2 Công trình xây dựng khu định cư Do Thái Ramat Shlomo ở Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn nữa, để được tái đắc cử Tổng thống trong năm tới, ông Trump rất cần lá phiếu của bộ phận cử tri là người Do Thái hay gốc Do Thái ở Mỹ. Còn nhớ, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump khẳng định rõ khi trở thành Tổng thống Mỹ, thời kỳ những người Israel bị đối xử như công dân hạng 2, sẽ chấm dứt ngay lập tức. Và nay, trước thềm cuộc bầu của Tổng thống Mỹ năm 2020, ông tiếp tục thể hiện sự ủng hộ dành cho Israel trong vấn đề định cư của người Do Thái ở Bờ Tây.

Giới quan sát cho rằng nguyên nhân thứ hai khiến ông Trump tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây, còn là vì tình bạn đặc biệt với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang đối diện với nguy cơ bị mất ghế Thủ tướng trong cuộc bầu cử vừa qua, cũng như vướng phải cáo buộc tham nhũng gian lận và lạm dụng lòng tin.

Nguyên nhân thứ ba là ông Trump đã nhiều lần khẳng định sẽ có sáng kiến hòa bình mới cho Trung Đông và đề cao nó là “Thỏa thuận thế kỷ”, nhưng đến bây giờ, văn kiện này vẫn có nhiều điểm tranh cãi và tính khả thi không cao. Bằng cách tạo ra tình huống mới ở khu vực này, ông chủ Nhà Trắng có thể tiếp tục trì hoãn việc công bố văn kiện trên, mà vẫn tránh được sự chỉ trích của dư luận.

 

Không coi trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel và Palestine

Dù nguyên nhân là gì, song bước đi mới nhất của Washington tiếp tục nối dài chuỗi động thái làm gia tăng căng thẳng với Palestine cùng các nước trong khu vực, sau một loạt hành động bất ngờ trước đó như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan chiếm đóng của Syria.

Trước thời Tổng thống Trump, dù đảng Dân chủ hay Cộng hòa lên nắm quyền, Mỹ đều có các tuyên bố và động thái gây sức ép buộc Israel tạm ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Ở cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barak Obama, chính quyền Mỹ còn đồng hành với Liên hợp quốc trong việc lên án Israel xây dựng trái phép các khu định cư này.

Nhưng đến thời Tổng thống Donald Trump, mọi chuyện đều đảo ngược. Tất cả những quyết định của ông Trump đều khiến tiến trình hòa bình Trung Đông trở nên phức tạp hơn, triển vọng tháo gỡ các nút thắt càng mờ mịt và quan hệ giữa Israel – Palestine càng thêm thù địch. Chính vì vậy, dư luận quốc tế cho rằng ông Trump hoàn toàn không coi trọng việc tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, hạ thấp chính vai trò của Mỹ trong việc giải quyết một trong những điểm nóng an ninh dai dẳng nhất thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác