Dấu ấn đổi mới của nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam

(VOV5) - Qua thực tiễn rất sinh động của 5 năm qua có thể khẳng định, để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, bài học kinh nghiệm xuyên suốt là phải coi trọng tác xây dựng Đảng hàng đầu.

Với tinh thần quyết liệt đổi mới, trách nhiệm, trong nhiệm kỳ Đại hội 12, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Dấu ấn đổi mới phong cách lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ 12 trước hết thể hiện qua việc lựa chọn chính xác những mục tiêu trọng điểm, những nhiệm vụ cấp bách để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Dấu ấn đổi mới của nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam - ảnh 1Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: dangcongsan.vn

Nhìn lại gần 10 năm từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng lần thứ 11 đến nay, có thể thấy nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng phải gánh vác một nhiệm vụ rất nặng nề, để hoàn thành được nhiệm vụ đó, toàn Đảng toàn quân và toàn dân đã hành động quyết liệt trong việc sắp xếp đúng các vị trí công tác, những "mắt xích" nào yếu phải bị thay thế bằng những nhân tố tích cực hơn nhất là trong việc đương đầu và đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, khẳng định: “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.

Dấu ấn đổi mới của nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam - ảnh 2Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII - Ảnh: dangcongsan.vn

Cùng với việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, không chỉ trong nhiệm kỳ ĐH 12 và từ trước đó, công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ “then chốt”. Hiếm có nhiệm kỳ nào Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành tới 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ban hành khoảng 130 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đây là dấu ấn, là điểm sáng của nhiệm kỳ. Từ dấu ấn này, có thể nói việc thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết Đại hội 12 được chỉ đạo rất quyết liệt. Việc liên thông giữa chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước đồng bộ, nhịp nhàng, tạo thành sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định: "Có thể nói nhiệm kỳ ĐH 12 của Đảng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực trong đó tôi rất tâm đắc đối với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về công tác xây dựng Đảng trong đó nổi bật là Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có Nghị quyết số 18 về kiện toàn đổi mới sắp xếp hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bên cạnh việc chăm lo công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngay từ những ngày đầu kiện toàn bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương Nghị quyết của Đảng bằng chương trình hành động rất quyết liệt. Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ năm 2016, các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đều giảm sút so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, lĩnh vực là bệ đỡ của nền kinh tế - nông, lâm, thủy sản - đã rơi xuống đáy do thị trường giá cả xuất khẩu nông sản lao dốc, diễn biến xâm nhập mặn, hạn hán khốc liệt…Trước tình hình đó, trong 3 kịch bản điều hành nền kinh tế năm 2016, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chọn kịch bản khó nhất với quyết tâm Chính phủ chỉ tiến, không lùi bước trước khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Dù GDP năm 2016 hụt đích, nhưng tinh thần luôn chọn kịch bản khó nhất này đã đưa GDP liên tục các năm 2017, 2018, 2019 ở ngưỡng được dư luận đánh giá là “kỳ tích”. Trong đó, năm 2019 đạt hơn 7%, cao hơn kế hoạch, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Bước sang năm 2020, “một năm “thử lửa” đối với trí tuệ, bản lĩnh, ý chí của dân tộc”, khi mà dịch bệnh, thiên tai lịch sử, bão chồng bão, lũ chồng lũ, gây tác động tiêu cực nghiêm trọng. Tinh thần “không lùi bước” thực sự đã đem lại kết quả được quốc tế ghi nhận trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, đạt mục tăng trưởng GDP 2,91%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn".

Qua thực tiễn rất sinh động của 5 năm qua có thể khẳng định, để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, bài học kinh nghiệm xuyên suốt là phải coi trọng tác xây dựng Đảng hàng đầu. Trong công tác xây dựng Đảng thì đặc biệt phải coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đặc biệt coi trọng công tác tổ chức xây dựng Đảng và coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ và coi đó là “then chốt của then chốt”. Bởi cán bộ là nhân tố quyết định tất cả mọi thắng lợi, mọi công việc trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương đường lối, Nghị quyết của Đảng.

Những thành tựu trong nhiệm kỳ ĐH 12, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác