Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

(VOV5)- Bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm của Việt Nam đang có những tín hiệu khá tích cực khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 ( tháng sau Tết) tăng thấp so với cùng kỳ mọi năm và tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng đã giảm từ khoảng 8% xuống còn 6%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đặt là tăng trưởng cao hơn, chỉ số lạm phát thấp hơn năm trước, trong 10 tháng còn lại của năm 2013, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong thực hiện các chủ trương của Chính phủ, trong đó chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

 Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp - ảnh 1

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam mở rộng sang nhiều thị trường mới. Ảnh: Cao Thăng

Tuy bức tranh kinh tế chung của Việt Nam trong hai tháng đầu năm có khởi sắc nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử, số lượng doanh nghiệp phải ngưng hoạt động trong 2 tháng qua là hơn 8.600 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp mới được thành lập chỉ có 8000. Điều này cho thấy các giải pháp để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn không những vẫn phải tiếp tục thực hiện mà còn cần phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Và điều quan trọng là phải cụ thể hơn, làm sao không để từ chủ trương đến thực tiễn là khoảng cách dài. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: “ Nghị quyết về điều hành kinh tế - xã hội cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được cụ thể hoá vào các kế hoạch phân bổ và thực hiện sớm so với mọi năm. Chính phủ cũng quán triệt tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh là chủ trương giải pháp ở tầm Chính phủ là như vậy nhưng như thế chưa đủ mà phải xuống tới tận các Bộ, ngành phải có văn bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Những nội dung gì chưa rõ thì phải quy định cho rõ. Đây là một khối lượng công việc rất lớn. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phải tập trung làm thật sát và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các ngành cũng như các địa phương.”



Cũng theo ông Vũ Đức Đam, riêng các chương trình lớn về tái cơ cấu kinh tế, về ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, về đầu tư mà Thủ tướng đã phê duyệt thì các Bộ, ngành, địa phương cũng phải tổ chức chỉ đạo, triển khai, mà trước hết là xây dựng thể chế đầy đủ để thực hiện các chương trình này.



Năm 2013, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép là vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát. Trong đó, tăng trưởng tín dụng là một công cụ quan trọng. Đi kèm với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là lộ trình điều chỉnh lãi suất và xử lý nợ để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã yêu cầu Thống đốc ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư bám sát mục tiêu này. Ông Vũ Đức Đam cho biết: “Cùng với với điều chỉnh lãi suất là vấn đề xử lý nợ để doanh nghiệp nào nếu có vốn có thể khôi phục, phát triển sản xuất thì phải tiếp cận được vốn. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong cả năm và đặc biệt là trong tháng đầu năm này chính phủ chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng và các bộ, ngành phải quyết liệt hơn để mục đích cuối cùng là dòng tiền phải tới được các doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất.”.



Khôi phục sản xuất trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của chính phủ cũng như của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương này trong 10 tháng còn lại của năm 2013 là nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra cho năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội là vừa giữ tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm ổn định an sinh xã hội./.

Phản hồi

Các tin/bài khác