(VOV5) - Các sản phẩm nông sản, khoáng sản vốn có ưu thế cạnh tranh của các nước Mercosur sẽ được tiếp cận thị trường hơn 450 triệu dân có sức mua hàng đầu thế giới của EU.
Sau thời gian dài trì hoãn, Liên minh châu Âu (EU) và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), hôm 06/12, chính thức hoàn tất Hiệp định thương mại tự do. Hiệp định được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích kinh tế và chính trị lớn cho cả hai bên, nhưng vẫn có nguy cơ gặp cản trở trong quá trình phê chuẩn tại châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen và nguyên thủ các quốc gia thành viên Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay) ký Hiệp định thương mại tự do EU-Mercosur trong cuộc gặp ngày 06/12 tại thủ đô Montevideo của Uruguay, hoàn tất tiến trình đàm phán trắc trở kéo dài hơn 2 thập kỷ.
Lợi ích lớn về kinh tế
EU và Mercosur bắt đầu các cuộc đàm phán về ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) từ năm 1999 nhưng phải mất 20 năm, đến năm 2019, hai bên mới đạt được thỏa thuận sơ bộ. Khi đó, Hiệp định được kỳ vọng sẽ được hoàn tất trong vòng 1-2 năm, sau khi trải qua quy trình phê chuẩn tại Nghị viện các nước thành viên EU. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và phong trào phản đối gia tăng của các nông dân châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha… khiến Hiệp định bị đóng băng trong 5 năm qua. Các nỗ lực hoàn tất Hiệp định chỉ được đẩy mạnh từ khi có các thay đổi lớn trong giới lãnh đạo Mercosur, đặc biệt từ khi ông Lula da Silva quay trở lại cương vị Tổng thống Brazil vào đầu năm 2023. Trên cương vị Chủ tịch nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới - G20 năm nay, Tổng thống Brazil đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục nhiều lãnh đạo châu Âu thay đổi lập trường, ủng hộ Hiệp định EU-Mercosur một cách mạnh mẽ hơn.
Theo giới quan sát, dù còn nhiều tranh cãi, đặc biệt từ phía châu Âu, nhưng Hiệp định mở ra cơ hội to lớn cho cả EU và Mercosur. Nếu được thông qua, Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với hơn 720 triệu dân, chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu. Theo nội dung Hiệp định, hơn 90% hàng rào thuế quan hiện nay giữa hai bên sẽ được xóa bỏ, cho phép các mặt hàng thế mạnh của châu Âu, như: ô tô, máy móc, hóa chất, thiết bị viễn thông, dược phẩm… xâm nhập thị trường 273 triệu dân của Mercosur với nhiều ưu đãi hơn các sản phẩm cạnh tranh của Mỹ hay Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, các sản phẩm nông sản, khoáng sản vốn có ưu thế cạnh tranh của các nước Mercosur sẽ được tiếp cận thị trường hơn 450 triệu dân có sức mua hàng đầu thế giới của EU. Đối với EU, mặc dù Mercosur hiện chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 10 (kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 110 tỷ USD trong năm ngoái) nhưng ngoài thị trường 273 triệu dân, Mercosur còn sở hữu nhiều nguyên liệu thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng (lithium, nikel…) mà châu Âu đang rất cần, trong bối cảnh châu lục này đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Hiệp định mới cũng mở đường cho châu Âu tham gia thị trường đấu thầu các dự án đầu tư công tại Mercosur được đánh giá hết sức tiềm năng. Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, nhận định: “Hiệp định này sẽ đơn giản hóa các đầu tư của châu Âu vào các ngành công nghiệp chiến lược tại các nước Mercosur như khai thác mỏ bền vững, năng lượng tái tạo, sản xuất lâm nghiệp bền vững. Hiệp định cũng giúp việc đầu tư vào các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến cuộc sống thường nhật của người dân được dễ dàng hơn, ví dụ như mở rộng lưới điện đến các vùng nông thôn, vùng hẻo lánh hoặc đẩy mạnh việc số hóa trong toàn khu vực”.
Sự cần thiết về chính trị
Cho đến trước khi bà Ursula von der Leyen bay sang Uruguay hôm 05/12 để tham dự Thượng đỉnh cùng các lãnh đạo Mercosur và ký hoàn tất Hiệp định, sự phản đối trong nội bộ EU vẫn tương đối lớn, khi Pháp đã thuyết phục được Ba Lan, Áo và một phần nào đó là Italia chống lại các điều khoản hiện tại của Hiệp định. Vì thế, việc người đứng đầu Ủy ban châu Âu quyết định gạt sự chống đối trong nội bộ sang một bên để ký Hiệp định với Mercosur được xem là một hành động bất ngờ. Giải thích cho quyết định này, bà Ursula von der Leyen cho rằng bên cạnh lợi ích kinh tế, Hiệp định còn có ý nghĩa chính trị to lớn, là minh họa cho sức sống của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại toàn cầu: “Hiệp định này không chỉ là một cơ hội về kinh tế mà còn là một sự cần thiết về chính trị. Chúng ta là những đối tác có chung chí hướng, cùng tin vào việc cởi mở và hợp tác là động lực thực sự của tiến bộ và phồn vinh. Tôi biết hiện đang có những cơn gió ngược theo hướng biệt lập và phân mảnh nhưng Hiệp định này là câu trả lời rõ ràng của chúng tôi”.
Chia sẻ quan điểm này của bà Ursula von der Leyen, ông Pedro Brites, chuyên gia thuộc Quỹ nghiên cứu Getulio Vargas (Brazil), cho rằng việc ông Donald Trump, người có xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, liên tiếp đe dọa đánh thuế các đối tác thương mại của Mỹ trong thời gian gần đây khiến cả EU lẫn các nước Mercosur đều chịu sức ép cần nhanh chóng hoàn tất Hiệp định, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác thương mại, ứng phó với nguy cơ rất lớn về việc xảy ra xung đột thương mại với Mỹ trong thời gian tới: “Hiện nay đã có thể dự đoán được rằng với chiến thắng của ông Donald Trump, nước Mỹ sẽ thực thi một chính sách vị kỷ hơn và khép chặt hơn với thị trường quốc tế. Tôi nghĩ điều này đã khiến cả các nước châu Âu lẫn Mercosur phải tăng tốc, gạt bỏ một số vướng mắc và hoàn tất Hiệp định”.
Thách thức lớn nhất với Hiệp định hiện nay là vượt qua được các rào cản trong nội bộ châu Âu để được thực thi. Theo quy định của EU, Hiệp định chỉ có hiệu lực nếu nhận được sự phê chuẩn của 15 trên 27 nước thành viên chiếm 65% dân số EU, đồng thời nhận được sự ủng hộ quá bán tại Nghị viện châu Âu. Các nước Pháp, Ba Lan, Áo vẫn tuyên bố phản đối Hiệp định với các điều khoản như hiện nay với lí do Hiệp định này sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp châu Âu. Do đó, giới quan sát cho rằng EC sắp tới có thể sẽ phải ban hành nhiều chính sách ưu đãi mới về nông nghiệp nhằm xoa dịu hội đoàn nông dân các nước, qua đó đạt số phiếu ủng hộ cần thiết cho Hiệp định.