FTA Nhật Bản-EU: Thông điệp rõ ràng phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại

(VOV5) - FTA EU-Nhật Bản này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2019 sau khi được cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn. 

Ngày 17/7, tại Tokyo, Nhật Bản, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Liên minh Châu Âu đã chính thức đặt bút ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) sau hơn 5 năm đàm phán. Trong bối cảnh khuynh hướng bảo hộ thương mại lan rộng, trong đó có chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump và một cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, thỏa thuận song phương EU-Nhật Bản đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ phản đối bảo hộ thương mại, rằng các nước lớn không thể dùng sức mạnh kinh tế để áp đặt luật chơi thương mại có lợi cho mình.

FTA EU-Nhật Bản này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2019 sau khi được cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn. Khi có hiệu lực, FTA này sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, với khoảng 600 triệu dân tại 29 quốc gia. 

Theo nội dung thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% tất cả hàng nhập khẩu từ EU. Về phần mình, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế theo lộ trình đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như ô tô, tivi. 

Xu thế thúc đẩy các FTA không có Mỹ

Thỏa thuận FTA được ký trong bối cảnh cả EU và Nhật Bản, những đồng minh lâu đời của Mỹ, đều nằm trong danh sách các nước và khu vực bị Washington áp thuế mới.

FTA Nhật Bản-EU: Thông điệp rõ ràng phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại - ảnh 1 Ảnh minh họa: TTXVN

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump luôn duy trì chính sách đưa nước Mỹ "vĩ đại trở lại". Đối với ông Trump, nước Mỹ là "trên hết". Nhưng thế giới lại nghĩ khác. Các nền kinh tế lớn không chấp nhận quan điểm của Mỹ về bảo hộ thương mại. Trước những động thái của Washington như rút khỏi các Hiệp định thương mại tự do đa phương, muốn đàm phán FTA song phương với từng nước, chưa có nước nào chấp nhận đề nghị của ông Trump về việc đàm phán những thỏa thuận song phương mới và nhiều nước đã lựa chọn ký kết những thỏa thuận mới với các đối tác khác hoặc tìm kiếm những thỏa thuận thương mại đa phương phù hợp. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một ví dụ, thay thế cho Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ rút trước đó.

Đối với EU, trong khi các cuộc đàm phán Mỹ-EU được phát động dưới thời Tổng thống Barack Obama đã bị ngưng trệ dưới thời ông Trump, EU tìm cách đẩy nhanh chiến dịch ký kết những hiệp định thương mại tự do mới trên toàn thế giới, tìm cách lấp đầy thứ mà họ xem là lỗ hổng mới trong việc thúc đẩy các hiệp định mở cửa thị trường. Ngày 6/7, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đồng ý thỏa thuận mậu dịch tự do trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 và thỏa thuận này được ký kết chính thức vào ngày 17/7. Chiếm hơn một phần tư nền kinh tế toàn cầu, thỏa thuận này sẽ đẩy mạnh thương mại giữa 2 thị trường đồng thời làm giảm cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ.

FTA Nhật Bản-EU: Thông điệp rõ ràng phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại - ảnh 2 Ảnh minh họa: TTXVN 

Ngoài Nhật Bản, trong năm nay, EU còn cố gắng đạt được những thỏa thuận về giảm thuế quan và mở cửa thị trường mới từ Mexico và Chile. EU cũng đang đàm phán một hiệp định thương mại với khối Mercosur bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Trong khi đó, cả Canada lẫn Mexico đều có dấu hiệu quay lưng với Mỹ khi ký kết một hiệp định mới, thay thế cho NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) một khi hiệp định này sụp đổ. Việc Mỹ rút khỏi TPP và chủ trương đàm phán cứng rắn đối với NAFTA đã buộc các chính phủ và cổ đông ở khu vực này phải đánh giá lại sự phụ thuộc của họ vào thị trường Mỹ. 

Giương cao ngọn cờ tự do thương mại

Việc Nhật Bản và EU ký kết FTA, theo đánh giá của các chuyên gia, không đơn thuần là thuế quan và rào cản mà nó mang ý nghĩa chính trị to lớn, đó là thương mại tự do sẽ là tất yếu, vượt trội chủ nghĩa bảo hộ. Điều này được chính các lãnh đạo hàng đầu của Ủy ban Châu Âu khẳng định, rằng đã đến lúc EU "phải tự nắm lấy vận mệnh của mình". Chủ trường này càng thể hiện rõ nét hơn khi thời gian gần đây, các lãnh đạo chủ chốt của EU thường xuyên có mặt ở Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức ông Norbert Roettgen cũng từng nhấn mạnh đối với ông Trump, các khái niệm về bạn bè, đồng minh, đối tác, đối thủ hay kẻ thù không tồn tại một cách rõ ràng, vì vậy, không ngạc nhiên khi EU đã hướng đến những bạn bè ở nơi khác.

Và họ đã tìm được điều này khi ký kết "một thỏa thuận tự do thương mại song phương lớn hơn bao giờ hết" với Nhật Bản. Dưới góc độ của các chuyên gia, đây là một hành động có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Với FTA vừa ký, hai bên đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng họ đang sát cánh cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác