(VOV5) - Giáo dục Việt Nam cần một sự thay đổi từ bên trong, hướng tới chất lượng cao hơn, phát triển con người toàn diện hơn, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong lịch sử Việt Nam, giáo dục có vai trò đặc biệt đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc. Trong bối cảnh thế giới đang ở thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước, vai trò của giáo dục càng quan trọng, được xác định vẫn là quốc sách hàng đầu khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Điều này được các vị lãnh đạo Việt Nam khẳng định rõ trong các phát biểu gần đây nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tổng Bí thư phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, ngày 18/11, tại Hà Nội. Ảnh: VOV |
Để thích ứng với giai đoạn phát triển mới, giáo dục Việt Nam cần một sự thay đổi từ bên trong, hướng tới chất lượng cao hơn, phát triển con người toàn diện hơn, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc
Ngay từ ngày đầu lập nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.
Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì theo Người, "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ được thành lập. Phong trào Bình dân học vụ với chính sách học chữ quốc ngữ miễn phí sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 20 năm, Việt Nam đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc, hậu quả từ chính sách ngu dân của thực dân xâm lược.
Có thể nói thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam đạt được những đỉnh cao mới, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và những thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được củng cố, duy trì và từng bước đạt chuẩn ở mức độ cao hơn. Đổi mới giáo dục đại học gắn kết hơn với nhu cầu thị trường lao động; xuất hiện ngày càng nhiều hơn cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, hơn 240 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất.
Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đổi mới giáo dục của thế giới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức…đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó. Đất nước cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Uỷ ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo năm 2024. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, ngày 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng: Mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được đó là “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng. Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 ở trong top 3 nước đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt top 100 trường hàng đầu trên thế giới.
Cùng với việc xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số, Việt Nam cần phát động thực hiện phong trào "bình dân học vụ số". Bộ Chính trị đã quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết. Nhà nước sẽ bảo đảm ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Trước đó, đầu tháng 11, chủ trì Phiên họp năm 2024 của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần đưa giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt: Tôi nhấn mạnh 5 vấn đề. Về thời gian, các chính sách ban hành liên quan giáo dục, đào tạo phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả. Về trí tuệ, phải dựa vào giáo dục đào tạo và đổi mới sáng tạo. Về khát vọng, đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt, tự lực, tự cường, tự tin dân tộc. Về hội nhập: phải đi đúng xu hướng của thời đại, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong giáo dục đào tạo.
Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Ngành giáo dục Việt Nam đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như không thể làm được trong quá khứ, và giờ đây, giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục gánh vác trọng trách to lớn để làn nên những dấu mốc mới cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.