Hiệp định Paris 1973: mốc son chói lọi của nền ngoại giao Việt Nam

(VOV5) - Tròn nửa thế kỷ trước, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết tại thủ đô nước Pháp.

 Là kết quả của một trong những cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi ngoại giao quan trọng, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang tầm vóc và ý nghĩa thời đại sâu sắc.  

Hiệp định Paris 1973: mốc son chói lọi của nền ngoại giao Việt Nam - ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Paris

Kéo dài trong gần 5 năm (từ 1968-1973), các cuộc đàm phán Paris về Việt Nam trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, khoảng 500 cuộc họp báo và khoảng 1.000 cuộc phỏng vấn. Cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về một nền ngoại giao non trẻ nhưng đầy bản lĩnh, đại diện cho tiếng nói chính nghĩa và được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ.

Chiến thắng của đỉnh cao trí tuệ ngoại giao Việt Nam

Theo các tài liệu lịch sử, trong tất cả các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng trong suốt tiến trình đàm phán Paris, phái đoàn đàm phán Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Trong đó, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là: quân đội Hoa Kỳ cùng các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương phải rút hết ra khỏi miền Nam Việt Nam và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định trong suốt quá trình đàm phán, nguyên tắc độc lập tự chủ luôn được duy trì và đề cao. Đặc biệt, Cố vấn Lê Đức Thọ và phái đoàn đàm phán Việt Nam đã vận dụng hết sức hiệu quả, sáng tạo phương châm chiến lược “dĩ bất biến ứng vạn biến”, đồng thời xuất sắc chuyển hóa những thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Đối với ông Lê Đức Thọ, bài học về dĩ bất biến ứng vạn biến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà ngoại giao Việt Nam đã được vận dụng nhuần nhuyễn trong suốt 5 năm đàm phán với hàng trăm cuộc đấu trí cam go. Ông Lê Đức Thọ nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng. Với tư duy sắc bén, dày dặn kinh nghiệm và tài thao lược, ông Lê Đức Thọ và đoàn đàm phán đã xuất sắc chuyển hóa thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán. Thắng lợi này là một trong những đỉnh cao của trí tuệ ngoại giao Việt Nam”.

Những bài học lịch sử vô giá

50 năm sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, các phân tích, đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế tiếp tục khẳng định Hiệp định Paris 1973 là chiến thắng quan trọng, mốc son chói lọi trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam; đồng thời để lại nhiều bài học quý báu, có ý nghĩa thời đại sâu sắc cho ngành ngoại giao. Trong đó, bài học về việc nắm chắc tình hình và tận dụng tốt thời cơ là cực kỳ quan trọng. Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giai đoạn 1969 - 1975, Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris, nhấn mạnh: “Thứ nhất là phải biết đánh giá tình hình, biết ta, biết địch như thế nào. Thứ hai là phải biết tận dụng thời cơ. Thứ ba nữa là phải có một sách lược khôn ngoan, xác định rõ cái gì là chính, cái gì là phụ. Theo tôi, về mặt ngoại giao thì chúng ta có nhiều sáng kiến rất hay”.

Hiệp định Paris 1973: mốc son chói lọi của nền ngoại giao Việt Nam - ảnh 2Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Vũ Khoan

Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Vũ Khoan cũng cho rằng: "Đây có lẽ là cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh dài nhất trong lịch sử. Nó để lại rất nhiều bài học cho ngoại giao Việt Nam. Thứ nhất là về sự kết hợp, thứ hai là kiên định, thứ ba là kiên trì và thứ tư là khôn khéo”.  

Theo các tài liệu chính thức, trong thời gian đàm phán Paris diễn ra, hàng nghìn cuộc mít tinh, biểu tình chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam đã nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có ngay tại chính nước Mỹ. Phong trào phản chiến và ủng hộ Việt Nam đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn cho Việt Nam ở cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán Paris, góp phần làm nên thắng lợi của Hiệp định Paris và tiếp đó là chiến thắng của chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự ủng hộ quốc tế này được đánh giá là một bài học kinh điển đối với ngành ngoại giao về vận dụng và tận dụng hiệu quả sự ủng hộ cùng các nguồn lực to lớn từ bên ngoài đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bài học này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, trong khi tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng như hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác