Học giả quốc tế khẳng định Trung Quốc vi phạm Công ước luật biển

(VOV5) - Nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) tin rằng nếu Trung Quốc tiếp tục làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông, hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm mà nước này cố gắng xây dựng sẽ sụp đổ.

Năm 2019 đánh dấu 25 năm ngày Công ước của Liên hợp  quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) chính thức có hiệu lực, văn bản được xem như “bản Hiến pháp về đại dương” của thế giới. Mặc dù đã phê chuẩn UNCLOS từ năm 1996, song Trung Quốc đã có những hành động vi phạm và không thực hiện các quy định của UNCLOS. Những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông bị các học giả quốc tế lên án mạnh mẽ.

Học giả quốc tế khẳng định Trung Quốc vi phạm Công ước luật biển - ảnh 1

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự - Học viện Quốc phòng Australia. - Ảnh: TTXVN

Nhiều học giả cho rằng chuỗi các hoạt động mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông, khu vực mà nước này không có chủ quyền đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982.

Vi phạm luật pháp quốc tế 

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự - Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng những hành động vừa qua của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế có chủ đích. Trung Quốc không hề có căn cứ luật pháp cho hành động của họ. Nói cách khác, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố chủ quyền một cách vô cớ đối với các đảo và vùng nước trên Biển Đông, phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế và Công ước Liên hơp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo Giáo sư Carl Thayer, các hành động của Trung Quốc trong các năm qua cho thấy Bắc Kinh có hai mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là nhằm thiết lập bá quyền thông qua phát triển các nguồn lực trên biển (bao gồm dầu mỏ và khí đốt) tại vùng biển trong khu vực "đường 9 đoạn". Vì thế, Trung Quốc ngăn cản các hoạt động khai thác dầu của các quốc gia ven biển và tạo sức ép buộc các nước này phải tham gia các dự án khai thác chung với Trung Quốc.

Mục tiêu thứ hai của quốc gia này là loại bỏ sự tham gia của các cường quốc bên ngoài trong việc phát triển nguồn lực biển tại Biển Đông. Điều này được thể hiện rõ khi Trung Quốc đề nghị hợp tác kinh tế biển cần được tiến hành với Trung Quốc và quốc gia ven biển mà “không được tiến hành thông qua hợp tác với các công ty thuộc các quốc gia bên ngoài khu vực”.

Học giả quốc tế khẳng định Trung Quốc vi phạm Công ước luật biển - ảnh 2Nghị sĩ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. - Ảnh: chinhphu

Từ Mỹ, nghị sĩ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ra tuyên bố nhấn mạnh sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc “ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế”. Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge, ông Anthony Nelson, cho rằng việc Trung Quốc khảo sát địa chất ở khu vực Biển Đông mà nước này không có chủ quyền đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982: “Đây rõ ràng là một sự vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển và phán quyết của Tòa án thường trực quốc tế năm 2016 liên quan tới vụ kiện của Philippine. Trung Quốc đã vi phạm cả hai văn bản này nhằm tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực cũng như tìm cách ngăn cản các nước khác được sử dụng các nguồn tài nguyên này”.

Học giả quốc tế khẳng định Trung Quốc vi phạm Công ước luật biển - ảnh 3Giáo sư Stein Tonnesson, hiện nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hòa bình Oslo, Nauy. 

Stein Tonnesson, Giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hòa bình Oslo, Nauy chia sẻ quan điểm: “Theo luật biển, Trung Quốc không có quyền được khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác. Trung Quốc đang tìm cách thực hiện đường Lưỡi Bò nhằm phục vụ phát triển bất chấp luật pháp quốc tế. Lần này Trung Quốc không khoan dầu mà tiến hành khảo sát diện rộng ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đồng thời ngăn cản các nước khác tiến hành khảo sát trong khu vực thềm lục địa của các nước này”.

Nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) tin rằng nếu Trung Quốc tiếp tục làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông, hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm mà nước này cố gắng xây dựng sẽ sụp đổ.

Vi phạm cam kết với các nước trong khu vực

Không những không tuân thủ UNCLOS 1982, những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông còn vi phạm cam kết của họ với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Theo văn kiện được Trung Quốc ký với các quốc gia ASEAN ngày 4-11-2002 nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Campuchia này, Trung Quốc cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại Biển Đông, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.

Trong đời sống văn minh hiện nay, hệ thống luật pháp quốc tế là những chuẩn mực công lý để bảo vệ lẽ phải và trật tự, cộng đồng quốc tế cần phải chung sức bảo vệ và nỗ lực tuân thủ nó. Nếu một số nước sẽ bất tuân thủ luật pháp quốc tế, chỉ dùng sức mạnh quân sự để từ chối chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia khác sẽ làm suy yếu hệ thống pháp luật quốc tế, luật biển quốc tế hiện đại đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của chính quốc gia đó.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác