Hội nghị TW7: tạo xung lực mới cho phát triển

(VOV5) - 3 nghị quyết được thông qua tại hội nghị liên quan đến công tác cán bộ, đảm bảo an sinh xã hội đã tạo tiền đề quan trọng, tạo xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện và phát triển đất nước.

Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII bế mạc cuối tuần qua đã đạt được những kết quả quan trọng. 

3 nghị quyết quan trọng được Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành TW Đảng khóa XII thông qua là Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Hội nghị TW7: tạo xung lực mới cho phát triển - ảnh 1Toàn cảnh bế mạc hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ

Trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị, Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế. Đặc biệt, Trung ương đã chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược mà Việt Nam tập trung xây dựng trong thời gian tới phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá: "Đề án công tác cán bộ đã đặt ra yêu cầu căn bản đối với từng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải đảm bảo yêu cầu căn bản về đạo đức, trí tuệ, năng lực lãnh đạo quản lý, uy tín, phong cách làm việc, nhất là tầm tư duy chiến lược. Cán bộ cấp chiến lược nhất ở các cấp, đặc biệt cấp chiến lược phải đáp ứng yêu cầu căn bản. Nhưng đồng thời Trung ương cũng đã đề ra hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn đối với từng loại cán, nhất là cán bộ cấp chiến lược".

Để thực hiện có kết quả Nghị quyết, trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XII, TW khẳng định cố gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế.

Tăng cường nền tảng đảm bảo an sinh xã hội

2 trong số 3 nghị quyết được Hội nghị lần này ban hành đều liên quan đến an sinh xã hội. Cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội cùng lúc một mặt góp phần chống tham nhũng, nhưng cũng quan trọng không kém là hỗ trợ cho tầng lớp bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội ngày một tăng.

Theo đó, Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Theo đó, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng: "Việc xắp xếp lại hệ sống lương sẽ giúp công chức có cuộc sống khá hơn so với hiện nay. Từ đó tạo ra năng suất, chất lượng làm việc tốt hơn".

Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng là một nội dung quan trọng trong Hội nghị Trung ương 7. TW xác định trong thời gian tới, phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Việt Nam sẽ phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng-hưởng," "công bằng," "bình đẳng," "chia sẻ" và "bền vững".

Việc Trung ương ban hành Nghị quyết mới về công tác cán bộ, nhiệm kỳ khóa XII cũng như hai nghị quyết về an sinh xã hội sẽ tạo tiền đề quan trọng, tạo xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện và phát triển đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác