Hợp tác quốc tế ngày càng trở nên cấp thiết trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

(VOV5) - Quan điểm nhấn mạnh hợp tác quốc tế theo kiểu “giúp người cũng là cứu mình.

Bất chấp nhiều nỗ lực mạnh mẽ của các quốc gia, đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đến nay đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng số người nhiễm bệnh lên tới hơn 1 triệu người.

Thực tế này đòi hỏi các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần có các biện pháp đối phó quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong đó, hợp tác quốc tế được cho là ngày càng trở nên cấp thiết, thậm chí có vai trò quyết định trong cuộc cuộc chiến chống Covid-19.  

Hợp tác quốc tế ngày càng trở nên cấp thiết trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 - ảnh 1

Đo thân nhiệt/ Ảnh minh họa - Nguồn AP

 Theo các chuyên gia quốc tế, với những diễn biến phức tạp như hiện nay của đại dịch Covid-19, các biện pháp đối phó đơn phương của các quốc gia dù có quyết liệt đến đâu cũng khó có thể ngăn chặn đại dịch một cách hiệu quả. Lý do là bởi đại dịch đang tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia.

Trong khi đó, mỗi quốc gia/nhóm quốc gia lại chỉ có những lợi thế, thế mạnh nhất định, đồng thời chịu sự chi phối mạnh mẽ của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Bởi vậy, việc hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực toàn cầu để đối phó và vượt qua tác động của đại dịch, là cực kỳ cần thiết.

Đại hội đồng Liên hợp quốc ra lời kêu gọi, Liên minh châu Âu khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong đối phó đại dịch

Ngày 2/4, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Dự thảo nghị quyết do Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana đệ trình, đã nhận được sự phê chuẩn của 188 trong tổng số 193 nước thành viên.

Đây là văn bản đầu tiên của cơ quan quốc tế lớn nhất hành tinh về vấn đề đối phó đại dịch Covid-19 kể từ khi dịch bệnh này bùng phát hồi cuối năm ngoái. Dù không mang tính ràng buộc như các nghị quyết được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua, song nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lại mang giá trị chính trị mạnh mẽ, phản ánh quan điểm toàn cầu về tính cấp thiết của hợp tác quốc tế và hành động đa phương trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19.

Hợp tác quốc tế ngày càng trở nên cấp thiết trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 - ảnh 2Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi về hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại COVID-19- Nguồn: Getty Images) 

 Tiếp đến, trong một tuyên bố chính thức ngày 5/4, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát ở châu Phi và EU phải vào cuộc để tránh sự ảnh hưởng cho chính châu Âu. Quan chức EU khẳng định, nếu chỉ riêng châu Âu ngăn chặn được dịch bệnh sẽ không mang nhiều ý nghĩa, bởi lẽ dịch bệnh hoàn toàn có thể tái bùng phát trở lại tại châu Âu vào bất cứ lúc nào khi mà vấn đề ở châu Phi hay các châu lục khác còn chưa được giải quyết.

Hợp tác giữa các cường quốc chưa đáp ứng kỳ vọng  

Quan điểm nhấn mạnh hợp tác quốc tế theo kiểu “giúp người cũng là cứu mình” của quan chức châu Âu, cũng là quan điểm chung của nhiều nhà phân tích quốc tế về biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, hợp tác quốc tế chính là chìa khóa để đảm bảo rằng thế giới có thể vượt qua đại dịch Covid-19 hay bất kỳ một dịch bệnh nguy hiểm nào khác trong tương lai.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và đối phó dịch bệnh quốc tế có chung quan điểm rằng, sự hợp tác giữa các nền khoa học và y học phát triển hàng đầu thế giới để đối phó đại dịch là cực kỳ cần thiết. Trong đó, sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất đồng thời sở hữu nhiều công nghệ khoa học, y học tiên tiến hàng đầu thế giới, có thể giúp thế giới sớm tìm ra các phương thuốc hữu hiệu điều trị virus Sars-CoV-2, cũng như điều chế thành công vaccine phòng dịch.Ngoài ra, hợp tác hiệu quả giữa các cường quốc còn giúp điều chuyển, phân bổ và cung cấp linh hoạt, kịp thời nguồn lực y tế, tài chính, hậu cần…để đối phó đại dịch trên phạm vi toàn cầu, nhất là cho các khu vực có nguồn lực hạn chế trên thế giới.  

Tiếc rằng, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc nói riêng, giữa các cường quốc nói chung và rộng hơn là giữa các nước trên toàn thế giới, vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong bài phỏng vấn với tờ New York Times ngày 5/4, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải thừa nhận, giữa Mỹ và Trung Quốc có những điểm chưa thống nhất, song thời điểm này là lúc hai nước cần đoàn kết, hỗ trợ và hợp tác với nhau để đối phó đại dịch Covid-19.

Hy vọng rằng, lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc, của Đại sứ Trung Quốc hay hành động trợ giúp hậu cần y tế mới đây của Nga dành cho Mỹ, sẽ thúc đẩy những sự hợp tác thiện chí, hiệu quả giữa các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế trong thời gian tới, để chiến đấu và chiến thắng đại dịch toàn cầu đầu tiên của nhân loại trong thế kỷ XXI.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác