Khởi thảo hiến pháp mới: Syria tìm kiếm hòa bình, ổn định

(VOV5) - Ủy ban Hiến pháp Syria có 150 thành viên, gồm 50 người thuộc Chính phủ Syria, 50 người đại diện phe đối lập và 50 người tới từ các đại diện các tổ chức dân sự do Liên Hợp Quốc đề cử.

Chính phủ Syria và phe đối lập vừa chính thức nhất trí khởi động tiến trình soạn thảo nội dung sửa đổi hiếp pháp, dưới sự tham gia của Liên Hợp Quốc. Vòng đàm phán Ủy ban Hiến pháp Syria (SCC) tiến hành tại Geneva lần này dự kiến kéo dài trong 1 tuần, với mong muốn đạt được một cơ sở pháp lý toàn diện, lâu dài, khắc phục sự khác biệt giữa các đảng phái tại Syria và mở ra cánh cửa cho một tiến trình chính trị rộng lớn hơn.

Khởi thảo hiến pháp mới: Syria tìm kiếm hòa bình, ổn định - ảnh 1Ảnh tư liệu: Toàn cảnh cuộc họp các thành viên Ủy ban Hiến pháp Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban Hiến pháp Syria có 150 thành viên, gồm 50 người thuộc Chính phủ Syria, 50 người đại diện phe đối lập và 50 người tới từ các đại diện các tổ chức dân sự do Liên Hợp Quốc đề cử. Tiểu ban của Ủy ban Hiến pháp Syria gồm 45 đại diện, mỗi bên có 15 đại diện, tập trung thảo luận về các nguyên tắc Hiến pháp.

Ủy ban Hiến pháp Syria giúp xây dựng lòng tin

Ủy ban Hiến pháp Syria được thành lập từ tháng 10/2019 sau một hội nghị hòa bình Syria do Nga chủ trì. Đây là thỏa thuận chính trị cụ thể đầu tiên giữa chính phủ và phe đối lập để bắt đầu thực hiện một khía cạnh quan trọng trong nghị quyết 2254 (ra đời năm 2015) của Hội đồng Bảo an, đó là thiết lập thời gian biểu và phương thức để xây dựng hiến pháp mới. Ủy ban Hiến pháp mới có thể tự do xem xét và sửa đổi hiến pháp năm 2012, trong đó có xem xét cả những kinh nghiệm về các bản hiến pháp khác của Syria, hoặc soạn thảo một bản hiến pháp mới.

Khởi thảo hiến pháp mới: Syria tìm kiếm hòa bình, ổn định - ảnh 2Binh sỹ Syria tại một điểm kiểm soát ở quận Daraa al-Balad, thành phố miền Tây Nam Daraa, ngày 12/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 2 năm qua, ủy ban này đã nhóm họp 5 lần, nhưng kết quả thu lại không đáng kể do các bất đồng giữa phe đối lập và Chính phủ Syria, bất chấp việc hàng triệu người dân quốc gia Trung Đông vẫn đang mòn mỏi chờ đợi một cuộc bầu cử quy mô toàn quốc, vốn chỉ được tiến hành sau khi có hiến pháp mới. Vì vậy, giới quan sát hy vọng vòng đối thoại lần này giúp Syria có một bản hiến pháp mới mà các bên cùng có thể chấp nhận.

Syria rơi vào khủng hoảng chính trị từ tháng 3/2011, khởi đầu bằng hàng loạt các cuộc biểu tình nhỏ, nhằm phản đối chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Sau đó, cuộc biểu tình lan rộng ra khắp quốc gia Trung Đông này và biến thành nội chiến đẫm máu. Cùng thời gian này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lớn mạnh tại Syria gây ra nhiều vụ khủng bố thảm khốc. Từ đó đã thu hút nhiều quốc gia tham chiến tại đây với danh nghĩa tiêu diệt IS và lập lại hòa bình cho Syria.

Hòa bình cho Syria vẫn còn là bài toán khó.

Hơn 10 năm xung đột ở Syria, với sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là các nước phương Tây cùng khối Arab và bên kia là Nga, Trung Quốc và Iran, những nước bảo vệ Chính phủ Syria đã làm gần 400.000 người đã thiệt mạng, hàng triệu người di tản đến giờ vẫn chưa thể trở về quê hương. Đến nay, Chính phủ Syria đã giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ nhưng hạ tầng cơ sở đã bị tàn phá nặng nề phải mất hàng chục hoặc hàng trăm năm sau mới phục hồi. Mặt khác, sự chia rẽ dân tộc sâu sắc thì vẫn còn đó làm cho quốc gia này khó phục hồi. Ngoài ra, sự lan rộng của đại dịch COVID-19 khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn. Liên Hợp Quốc cảnh báo, nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thì 60% người dân Syria có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay, đặc biệt là người dân tại các khu vực biên giới và các khu vực xung đột.

Đáng quan ngại, là trẻ em chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài ở Syria. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong vòng 10 năm qua, hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn ngoài Syria, 3,5 triệu trẻ em thất học, 90% trẻ em Syria đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Trong khi đó, xung đột ở Syria vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày. Điều này làm dấy lên quan ngại mặc dù được nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan quan tâm hỗ trợ, tuy nhiên, việc lập lại hòa bình cho Syria vẫn còn là bài toán khó.

Hiện, hàng triệu người Syria vẫn đang mòn mỏi chờ đợi một cuộc bầu cử tự do mới, vốn chỉ được tiến hành sau khi có hiến pháp mới. Vì vậy, việc nhanh chóng tạo ra một hiến pháp hậu chiến tranh là điều trông đợi ở Syria. Việc nối lại đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp lần này là tiền đề quan trọng nhằm hỗ trợ Syria ổn định tình hình an ninh, khắc phục khủng hoảng kinh tế-xã hội và nhân đạo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác