Leo thang căng thẳng Mỹ - Iran

(VOV5) - Những bước đi cứng rắn của Iran và của Mỹ trong thời gian qua có thể coi là “ăn miếng, trả miếng”. 

Những lo ngại về một cuộc xung đột ở Trung Đông lại một lần nữa dấy lên sau khi Lầu Năm Góc điều một nhóm tàu sân bay đến vùng biển gần Iran còn Iran dọa khôi phục hoạt động làm giàu uranium cấp độ cao. Như vậy là tròn 1 năm sau ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, quan hệ Mỹ - Iran ngày càng căng thẳng, điều này đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình ở Trung Đông.

Leo thang căng thẳng Mỹ - Iran  - ảnh 1

Ảnh minh họa 

Những bước đi cứng rắn của Iran và của Mỹ trong thời gian qua có thể coi là “ăn miếng, trả miếng”. Chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Iran suốt 1 năm qua, có thể giúp Washington thực hiện được toan tính giảm tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Tehran, song rõ ràng cũng kéo theo quá nhiều hệ lụy không mong muốn

Đáp trả tương xứng   

Tình hình vùng Vịnh diễn biến phức tạp trước các động thái leo thang của Iran và Mỹ liên quan đến thỏa thuận quốc tế về vấn đề hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA). Kể từ sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận (2018) với lý do thỏa thuận không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực, Mỹ đã không ngừng gia tăng sức ép với Iran, mà cụ thể là khôi phục nhiều cấm vận nhằm vào Iran, đặc biệt là về dầu mỏ.

Trong suốt 1 năm qua, Tehran đã phải hứng chịu liên tiếp các đòn trừng phạt từ Washington, bất chấp các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho tới thời điểm này đều khẳng định Iran tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Trong bối cảnh đó, căng thẳng giữa Tehran và Washington càng bị đẩy lên một nấc thang mới với việc Mỹ liệt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào cái gọi là “danh sách khủng bố”. Thực tế này khiến Iran hết kiên nhẫn. Ngoài cảnh báo sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, ngày 8/5, Tổng thống Iran thông báo sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ  làm giàu urani. Đây chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết bảo vệ ngành dầu mở và tài chính của Iran trước lệnh cấm vận của Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Iran, Người đứng đầu Nhà Trắng ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với lĩnh vực mỏ và kim loại, hai nguồn thu lớn nhất của Iran sau dầu mỏ. Washington không quên cảnh báo Tehran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình. Theo Tổng thống Trump, đây còn là lời cảnh báo gửi tới các nước khác rằng việc cho phép nhập khẩu kim loại của Iran sẽ không được dung thứ.

Ngoài những tuyên bố cứng rắn, diễn biến trên thực địa cũng gây lo ngại khi Mỹ triển khai lực lượng hùng hậu đến khu vực xung quanh Iran. Hiện, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang trên đường đến Trung Đông, còn không quân Mỹ thông báo triển khai phi đội oanh tạc cơ B-52 đến khu vực. Trong khi đó, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo được cho là đang điều động nhiều tên lửa đến khu vực bờ biển hướng ra eo biển Hormuz.

Quốc tế lo ngại

Thời khắc các bên ký Thỏa thuận hạt nhân Iran từng được nhìn nhận là sự kiện quốc tế tiêu biểu của năm 2015, là thắng lợi của các bên trong việc kiềm chế Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Và cho dù Mỹ có rút khỏi thỏa thuận từ năm 2018 nhưng Iran chưa 1 lần tuyên bố sẽ vi phạm thỏa thuận này.

Do vậy, với tuyên bố sẽ thu hẹp việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Iran đã khiến các quốc gia thành viên của thỏa thuận cũng như dư luận quốc tế đặc biệt lo ngại. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định ông luôn coi “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” là một thành công lớn trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngưng phổ biến hạt nhân và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực cũng như thế giới. Vì thế, ông Guterres rất hy vọng sẽ cứu vãn được thỏa thuận này. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhận định: "Hiện không có gì tồi tệ hơn việc Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân". Bà cho biết Pháp, Anh, Đức - những nước ký JCPOA, đang nỗ lực hết sức để có thể duy trì thỏa thuận hạt nhân bằng cách đề ra các sáng kiến hỗ trợ nền kinh tế Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng duy trì và thực thi thỏa thuận hạt nhân toàn diện này là trách nhiệm của tất cả các bên. Bắc Kinh cũng "cực lực phản đối" các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran.

Sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là mối hiểm nguy đối với Iran và cả thế giới. Nếu Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên Iran như tuyên bố của một số quan chức Mỹ, nhiều khả năng sẽ gây ra tác dụng ngược. Khi đó, sự đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân Iran không dừng lại ở từ  “nguy cơ” .

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác