Mặt trận Tổ quốc với mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

(VOV5) - Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, nguồn lực nội sinh, động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hôm nay (18/9), đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 bước vào ngày làm việc đầu tiên, tại Hà Nội. Trải qua mỗi kỳ Đại hội, với những chiến lược, nhiệm vụ và đổi mới trong hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thể hiện sự lớn mạnh và phát huy tốt vai trò là cầu nối khơi gợi và quy tụ dân tộc thành một khối thống nhất.

Mặt trận Tổ quốc với mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chụp ảnh cùng các chức sắc, chức việc tôn giáo - Ảnh: Pháp Luật VN

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc thì phải có lực lượng và có thành phần làm nòng cốt. Người chỉ rõ "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết". Đó cũng là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đoàn kết toàn dân: nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mọi thời kỳ

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, nguồn lực nội sinh, động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 18/11/1930 Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và lãnh đạo, đánh dấu sự phát triển về chất phong trào đoàn kết yêu nước của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân đô hộ và bè lũ tay sai.

Kế tục sự nghiệp cách mạng, Mặt trận đã tập hợp các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và các tổ chức cứu quốc, đoàn kết, động viên toàn dân vùng lên giành chính quyền, đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng trên nền tảng của sự đoàn kết quân và dân, các tầng lớp, trong đó có vai trò to lớn của Mặt trận, đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, đưa đất nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tính chất là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đã tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua mà Mặt trận phát động đã khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều cuộc vận động có tính toàn dân, toàn diện và toàn quốc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã góp phần khơi dậy mọi tiềm năng và sức mạnh của mỗi người dân, mỗi tập thể và của cả cộng đồng, tạo thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo thêm nguồn lực tấn công vào nghèo đói, lạc hậu.

Mặt trận Tổ quốc với mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân - ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng: "Mặt trận đã luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm được quy định trong Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước. Việc Mặt trận huy động sức mạnh của toàn dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong cả nước vững mạnh đã cho thấy vai trò to lớn của Mặt trận trong sự nghiệp phát triển đất nước".

Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, đất nước đối mặt với nhiều khó khăn như việc các thế lực thù địch không ngừng tiến hành các thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên những sức ép lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận là tiếp tục mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lãnh đạo Mặt trận tổ quốc Việt Nam xác định phải lấy việc xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm mục tiêu xuyên suốt, làm điểm tương đồng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: "Nhiệm kỳ 2019 – 2024, hệ thống mặt trận các cấp cần phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trước Đảng với nhân dân để thể hiện là nơi tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận động khích lệ nhân dân đi đầu trong sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Mặt trận phải nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua mà nhất là cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…Quan tâm hơn nữa công tác đối ngoại, kiều bào, làm sao huy động được sức mạnh của hơn 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước".

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ có tính chất bao trùm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mọi thời kỳ phát triển. Việc Mặt trận thực hiện xuyên suốt nhiệm vụ này sẽ là nguồn lực nội sinh to lớn để Việt Nam phát triển bền vững trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác