Mong manh thỏa thuận hạt nhân Iran

(VOV5) -Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Những ngày gần đây việc Israel cáo buộc Iran che giấu chương trình hạt nhân đang gây lo ngại trong dư luận, nhất là trong bối cảnh thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra nhằm yêu cầu sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran đang đến gần (12/5).

Nếu không, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Thông tin của Israel như đổ thêm dầu vào lửa, bất chấp những nỗ lực ngoại giao con thoi của một số lãnh đạo châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

Mong manh thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 1

 Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền Trung Iran. - Ảnh minh họa: AP/TTXVN

Ngày 30/04/2018, Thủ tướng Benjamin Netayahu khẳng định Israel có “ những bằng chứng xác thực” về một “kế hoạch bí mật” mà Iran có thể khởi động bất cứ lúc nào để chế tạo bom nguyên tử. Trong khi đó, Iran  vẫn khẳng định không hề muốn chế tạo vũ khí hạt nhân.

Thời điểm nhạy cảm

Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Và Israel chọn thời điểm này để công bố thông tin Iran che giấu chương trình hạt nhân. Theo Israel, sau khi ký thỏa thuận, Iran đã tăng cường các nỗ lực che giấu tài liệu đi liền với chương trình hạt nhân của nước này. Israel đưa ra "55.000 trang tài liệu" và thêm "55.000 tài liệu trên 183 chiếc đĩa CD". Tuy nhiên, Thủ tướng Israel lại không đưa ra được lập luận thể hiện việc Iran không tuân thủ hay vi phạm những cam kết trong thỏa thuận.

Có thể thấy đa phần các bằng chứng mà Israel công bố hôm 30/4 đều có trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 được ký. Và những cáo buộc kiểu như vậy sẽ càng khiến tình hình hiện nay căng thẳng hơn, vì sẽ có tranh cãi xung quanh việc liệu Iran có vi phạm thỏa thuận mà họ ký với nhóm các cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.

Và bên được lợi nhất nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ chính là Israel. Còn nhớ, trong suốt quá trình đàm phán cũng như khi JCPOA được ký kết, Israel luôn phản đối và gọi đây là một “sai lầm lịch sử”. Theo Israel, những cam kết trong JCPOA không thể xóa đi mối đe dọa từ một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Và nếu Iran sản xuất vũ khí hạt nhân thì nước này sẽ là mối đe dọa đối với sự tồn tại của Israel.

Người được lợi tiếp sau Israel là Tổng thống Mỹ Donal Trump vì người đứng đầu Nhà Trắng từng xem việc xóa sổ thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những cam kết tranh cử của mình năm 2016. Vì vậy cho dù thông tin của Israel vừa công bố chưa được kiểm chứng song ông Donald Trump một lần nữa chỉ trích JCPOA là một “thỏa thuận tồi tệ,” đồng thời cho biết sẽ xem xét những thông tin mới mà Israel đưa ra ltrước khi quyết định có rút Mỹ khỏi JCPOA hay không.

Tân Ngoại trưởng Mike Pompeo thì cho rằng những thông tin do Thủ tướng Israel đưa ra là “rất chính xác” và “đa số là những tiết lộ mới”. Trước đó, hồi tháng 1/2018, ông đã đe dọa sẽ không ký quyết định hủy bỏ lệnh từng phạt Iran nếu 3 nước Pháp, Anh, Đức không đồng ý giải quyết các quan ngại của Mỹ liên quan đến các điều khoản về thời hạn hết hiệu lực của thỏa thuận, về chương trình tên lửa của Iran và việc Iran hậu thuẫn các lực lượng ủy nhiệm tại Syria, Liban và Yemen.

Châu Âu tìm cách cứu vãn

Trái ngược với động thái của Mỹ và Israel, nhiều nước châu Âu nỗ lực bảo vệ sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân Iran. Họ cho rằng các cáo buộc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về chương trình hạt nhân của Iran không hề gây hoài nghi về việc Tehran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 hay không. Và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là cơ quan quốc tế duy nhất phụ trách giám sát cam kết hạt nhân của Iran. 10 báo cáo của IAEA đều cho thấy Iran đã tuân thủ đầy đủ các cam kết.         

Trước đó, từ 24 - 27/4, Nhà Trắng đã liên tiếp đón lãnh đạo hai đồng minh châu Âu của Mỹ là Pháp và Đức. Cả ông Emmanuel Macron và bà Angela Merkel đều muốn Mỹ ở lại JCPOA. Cùng với các chuyến ngoại giao con thoi, Pháp, Đức và Anh cũng đang có « một nỗ lực kép » trong việc thuyết phục Hoa Kỳ ở lại trong thỏa thuận hiện có, mặt khác, cần «chuẩn bị ngay từ bây giờ », « một thỏa thuận khung rộng hơn, bao gồm cả giai đoạn 2025 (tức sau khi thỏa thuận 2015 hết hiệu lực), cũng như về chương trình đạn đạo của Iran và các xung đột ở Trung Đông ».

Thậm chí, nhiều tháng qua, các quan chức trong chính quyền Mỹ và châu Âu đã âm thầm phối hợp nhằm tìm cách đáp ứng những điều kiện của ông Trump về chỉnh sửa thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, thách thức, theo các quan chức cả hai phía, là tìm ra giải pháp vừa làm hài lòng ông Trump, trong khi vẫn bảo đảm JCPOA được nguyên vẹn.

Về phía Iran, nước này tái khẳng định kiên quyết không chấp nhận đàm phán lại thỏa thuận 2015.

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được đánh giá là một trong số những thỏa thuận toàn diện và vững chắc nhất trong lịch sử phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, giờ đây, thỏa thuận lịch sử này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ nếu như các bên không đạt được giải pháp phù hợp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác