Mosul cận kề nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

(VOV5) - Chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul của quân đội Iraq với sự hậu thuẫn của bộ binh và không quân đồng minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu từ ngày 17/10 và đang ở giai đoạn cuối cùng, cam go và ác liệt. Trong bối cảnh ấy, số phận của hơn 1 triệu dân thường còn mắc kẹt trong thành phố đang bị đe dọa nghiêm trọng và Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ một thảm họa nhân đạo tồi tệ xảy ra ở khu vực này. 

Mosul cận kề nguy cơ khủng hoảng nhân đạo - ảnh 1
Liên quân đang thẳng tiến về Mosul (Ảnh: Reuters)

Chiến dịch giải phóng Mosul, thành trì cuối cùng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, bắt đầu từ ngày 17/10. Hàng chục nghìn binh sĩ Iraq cùng lực lượng dân quân người Kurd tham gia vào chiến dịch quân sự này, với sự yểm trợ của liên quân do Mỹ cầm đầu. Đây được cho là cuộc chiến lớn nhất diễn ra tại Iraq kể từ khi Mỹ can thiệp quân sự vào nước này vào năm 2003.

Trận chiến cam go, ác liệt

10 ngày qua kể từ khi tiến hành đánh chiếm, các lực lượng Iraq tiếp tục mở các chiến dịch tiến công siết chặt vòng vây tại Mosul, đặc biệt ở mặt trận phía Đông. Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 90 ngôi làng đã được giải phóng khỏi IS. Lực lượng quân đội Iraq đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực ngoại ô phía Đông Mosul và chỉ còn cách thành phố chiến lược này khoảng 5-6km. Các tay súng người Kurd cũng đang tiến công từ mặt trận phía Đông Bắc trong khi lực lượng bán quân sự, gồm các tay súng dòng Shiite, đẩy mạnh tấn công từ phía Tây với nhiệm vụ chính là ngăn chặn các tay súng IS chạy trốn sang Syria cũng như cô lập hoàn toàn Mosul.

Hiện đã có khoảng 90 ngôi làng và thị trấn do IS chiếm đóng gần thành phố Mosul đã được giải phóng và khoảng cách từ giới tuyến tới Mosul chỉ cách vài km. Ước tính nhóm Nhà nước Hồi giáo hiện có khoảng 4.000 – 8.000 tay súng đang cố thủ ở Mosul.

Chiếm lại Mosul là ưu tiên chiến lược trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố tàn bạo IS và cũng là nỗ lực mà chính quyền Mỹ đương nhiệm đang cố gắng hoàn thành trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới diễn ra. Ngoài ra, chiến thắng của quân đội chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd, với sự hậu thuẫn của Mỹ, sẽ giúp củng cố quyền lực của Thủ tướng Haider al-Abadi ở Iraq, nơi ông đang đối diện với sự phản kháng của khối Sunni ở quốc hội và các phe phái dòng Shiite đang tìm cách làm suy yếu chính phủ hiện tại. Chiến thắng Mosul đồng thời có thể mở đường cho một giai đoạn ổn định mới tại Iraq sau nhiều năm xung đột.

Nạn nhân là dân thường vô tội

Thành phố Mosul, nơi được coi là thủ phủ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng suốt 2 năm qua. Nếu để mất thành trì cuối cùng này tại Iraq, giấc mơ về một "Vương quốc Hồi giáo" của nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ chấm dứt. Chính vì vậy, IS không ngại dùng đến những phương thức phản kháng tiêu cực và tàn bạo, trong đó có việc sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Vì thế, chiến dịch ở Mosul được dự đoán còn nhiều cam go khi IS đang làm tất cả những gì có thể để ngăn cản đà tiến của chiến dịch tái chiếm.

Mosul cận kề nguy cơ khủng hoảng nhân đạo - ảnh 2
Hơn 10.000 người sơ tán khỏi Mosul (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, hiện có khoảng 7.500 người đã tháo chạy khỏi Mosul và các làng mạc, thị trấn ngoại vi và còn hơn 1 triệu cư dân vẫn ở bên trong thành phố, đặc biệt ở các khu phố cổ của Mosul, nơi có các cung đường nhỏ hẹp khiến phương tiện cơ giới của quân đội chính phủ khó tiếp cận. Hiện, những gia đình còn kẹt lại trong các đống đổ nát của Mosul không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mạo hiểm bám trụ với nguy cơ có thể mất mạng bất cứ lúc nào do bom rơi, đạn lạc cũng như đối mặt với một cuộc sống cực kỳ thiếu thốn. IS đã có những động thái đe dọa, cấm người dân bỏ chạy khỏi thành phố. Bên cạnh đó, mối đe dọa từ các xạ thủ, bom mìn, những chiến hào ngập dầu hỏa, đường hầm, công sự được IS triển khai dày đặc khiến việc hỗ trợ nhân đạo trở nên cực kỳ khó khăn.

Ngoài ra, Liên hiệp quốc hiện đã nhận được báo cáo về các vụ hành quyết của IS tại Mosul. Điều này càng củng cố lo ngại rằng IS sẽ sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Các lực lượng an ninh Iraq mới đây cũng phát hiện ra thi thể của 70 người dân bên trong ngôi nhà ở làng Tuloul Naser, khoảng 35km về phía nam Mosul.

Khủng hoảng nhân đạo ở Mosul

Thực tế này cho thấy việc đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Mosul đặt ra cho các tổ chức quốc tế nhiều thách thức. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết đã chuẩn bị lều tạm, nước uống, thực phẩm và thuốc men cho công tác hỗ trợ nhưng khẳng định việc tìm một địa điểm thích hợp để tiếp nhận người lánh nạn không hề dễ dàng. Những bước tiến liên tiếp của quân đội Iraq đang dần khiến mục tiêu quét sạch nhóm Nhà nước Hồi giáo ra khỏi nước này dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, dù quân chính phủ đã có những bước tiến đáng kể trên chiến trường, nhưng trận chiến quyết định này chắc chắn không dễ kết thúc trong ngày một ngày hai khi IS quyết tâm tử thủ. Trong bối cảnh đó, thảm cảnh của hơn một triệu nhân mạng đang mắc kẹt tại thành phố này là vô cùng đáng ngại và chính họ hằng ngày phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của xung đột.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác