Myanmar nỗ lực cùng ASEAN ổn định tình hình đất nước

(VOV5) - Suốt mấy tháng qua, ASEAN luôn nỗ lực nhằm thúc đẩy giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.

Đại diện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Myanmar trong 2 ngày 4 và 5/6. Chuyến thăm tiếp nối các nỗ lực gần đây của ASEAN trong việc hỗ trợ quốc gia thành viên sớm đạt được một giải pháp hòa bình, ổn định tình hình đất nước.

Myanmar nỗ lực cùng ASEAN ổn định tình hình đất nước - ảnh 1Người biểu tình tập trung tại thành phố Yangon, Myanmar ngày 8/3/2021 - Ảnh: AFP/TTXVN

Chính biến ở Myanmar xảy ra đầu tháng 2/2021 sau khi quân đội Myanmar tiến hành bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử của nước này với cáo buộc gian lận bầu cử. Trong hơn 4 tháng qua, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN có nhiều nỗ lực trong việc làm trung gian, tìm kiếm một giải pháp hòa bình, mang tính xây dựng cho tất cả các bên liên quan.

ASEAN và vai trò trung gian hòa giải

Trong thông báo mới nhất về kết quả chuyến thăm Myanmar của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Darussalam Dato Erywan Pehin Yusof và Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, Ban thư ký ASEAN khẳng định kết quả chuyến thăm là tích cực, trong đó nhấn mạnh đến đồng thuận năm điểm đã đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra vào ngày 24/4 vừa qua, đặc biệt là việc bổ nhiệm và vai trò Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, cũng như cách ASEAN có thể hỗ trợ tạo điều kiện cho đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên ở Myanmar. ASEAN cũng đề cập khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Myanmar nỗ lực cùng ASEAN ổn định tình hình đất nước - ảnh 2Người dân ở bang Karen rời làng hôm 2/6/2021 do lo ngại cuộc giao tranh giữa quân đội và Quân đội Phật giáo dân chủ Karen (DKBA) - Ảnh: AFP

Chuyến thăm Myanmar này của Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và ông Erywan Yusof, Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021, là một phần trong những nỗ lực của ASEAN nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Hiện ASEAN đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao sau khi Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ ngày 1/2 vừa qua. Cuối tháng 4/2021, các lãnh đạo ASEAN đã đạt đồng thuận gồm 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại, cung cấp viện trợ, chỉ định một đặc phái viên, cử một phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar để gặp "tất cả các bên liên quan".

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 6/6, Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước (SAC) kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, khẳng định nước này sẵn sàng phối hợp với ASEAN để đảm bảo ổn định trong nước và thực thi đồng thuận liên quan.

Myanmar nỗ lực cùng ASEAN ổn định tình hình đất nước - ảnh 3Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước (SAC) kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, ngày 5/6 khẳng định nước này sẵn sàng phối hợp với ASEAN để đảm bảo ổn định trong nước và thực thi đồng thuận liên quan - Ảnh: AFP/TTXVN

Nỗ lực ổn định tình hình đất nước

Gia nhập ASEAN năm 1997, Myanmar luôn là một thành viên tích cực của ASEAN trong việc  xây dựng Cộng đồng ASEAN, thực hiện tầm nhìn. Thực tế, trong những năm qua, Myanmar rất coi trọng vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực.

Trong giai đoạn ASEAN hội nhập, Myanmar luôn hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN để tạo tiếng nói chung, cùng phối hợp ứng phó với những thách thức, thúc đẩy hòa bình, tiến bộ trong khu vực. Trước tình hình bất ổn ở Myanmar, ASEAN có nhiều điểm tương đồng để góp phần giải quyết khủng hoảng ở Myanmar. Việc hỗ trợ Myanmar tìm ra giải pháp hòa bình quan trọng với ASEAN trong việc đoàn kết nội bộ và củng cố vai trò ASEAN trên trường quốc tế.

Suốt mấy tháng qua, ASEAN luôn nỗ lực nhằm thúc đẩy giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, kêu gọi đối thoại, hòa giải, đáp ứng mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar. ASEAN đã nhiều lần khẳng định 55 triệu người dân Myanmar đều là thành viên của Đại gia đình ASEAN và ASEAN luôn sẵn sàng giúp đỡ Myanmar  một cách xây dựng, hòa bình thông qua các cơ chế liên quan. Các thành viên ASEAN đang thúc đẩy đối thoại, tạo thuận lợi cho việc tìm giải pháp cho vấn đề này. ASEAN cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực và lập trường của ASEAN, mong muốn các cuộc thảo luận ở LHQ về các vấn đề quan trọng liên quan cần có sự tham vấn đầy đủ với các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây cũng khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong giải quyết vấn đề Myanmar. ASEAN đang nỗ lực đóng vai trò cầu nối với mong muốn Myanmar sớm ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác