Năm 2025: ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu GDP đạt khoảng 8%

(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải khơi thông nguồn lực để phát triển đất nước.

Năm 2025, Việt Nam phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu GDP tăng khoảng 8%, hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc… Đây là những mục tiêu quan trọng mà Chính phủ phải phấn đấu hoàn thành, góp phần tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. 

Năm 2025: ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu GDP đạt khoảng 8% - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày những nội dung chủ yếu về tình hình KTXH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025 tại Hội nghị toàn quốc sáng 01/12 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, diễn ra sáng 1/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải khơi thông nguồn lực để phát triển đất nước.

Ưu tiên và làm mới các động lực tăng trưởng

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ phấn đấu đạt GDP khoảng 8%. Việc này nhằm tạo đà phấn đấu mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Năm sau, Việt Nam phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, bội chi ngân sách 3,8% GDP, nợ công 35-38% GDP...

Chính phủ cũng đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, quyết tâm Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước 31/12/2025, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước... Đây là những yếu tố, theo Thủ tướng, tạo nền tảng để đất nước "bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng".

Tinh thần chung là Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.

Để thực hiện mục tiêu này, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu tiếp tục được củng cố, làm mới.

Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm nay sẽ được bố trí ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án khác có nhu cầu. Chính phủ cho biết cần có cơ chế hiệu quả hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là dự án công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng...

Về tiêu dùng, Chính phủ sẽ có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, kiểm soát nguồn cung, giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm...

Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, thương mại được đẩy mạnh qua tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), khai thác các thị trường mới, như: Halal, châu Phi. Cùng với đó, các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ... sẽ được đẩy mạnh, theo Thủ tướng.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, mục tiêu giảm tiếp lãi suất cho vay. Tăng trưởng tín dụng năm sau vẫn duy trì trên 15%, với dòng vốn hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Thu ngân sách dự kiến cao hơn khoảng 10% so với năm 2024 và tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế, trong đó phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch

Để thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cũng tiếp tục tổng kết thực tiễn để xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách; triển khai cụ thể hoá, thể chế hoá các đường lối, chính sách của Đảng. Đặc biệt, phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 (4/12), Thủ tướng đề nghị cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng: Vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn tới phải đạt tăng trưởng 2 con số, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.

Người đứng đầu nhấn mạnh thể chế là "đột phá của đột phá", là "động lực, nguồn lực cho sự phát triển". Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực con người, cơ sở vật chất trong công tác thể chế; đặc biệt, cần tiếp tục rà soát những vấn đề vướng mắc, lạc hậu hoặc chưa theo kịp thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, là năm đặc biệt quan trọng đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng giải đoạn 2020 - 2025. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định là năm tăng tốc, bứt phá và thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá trên tinh thần đổi mới để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác