Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu sau đại dịch Covid-19

(VOV5) - Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thiệt hại do Covid-19 lên tới 28 nghìn tỷ USD tính đến năm 2025.

Đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả tàn khốc và nặng nề cho kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thiệt hại do Covid-19 lên tới 28 nghìn tỷ USD tính đến năm 2025. Với những diễn biến của đại dịch và thống kê sơ bộ những tháng đầu năm 2021, nguy cơ thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới là hiện hữu và năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu.

Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thị trường tài chính toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro, thị trường dầu mỏ, giá vàng, đồng USD, biến động thất thường… khiến nền kinh tế thế giới đối diện với những thách thức đan xen.

Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu sau đại dịch Covid-19 - ảnh 1Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thị trường tài chính toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro, thị trường dầu mỏ, giá vàng, đồng USD, biến động thất thường.
Ảnh minh họa:  thethaovanhoa.vn

Nợ công toàn cầu cao kỷ lục

Theo Viện Tài chính Quốc tế, nợ toàn cầu đã tăng hơn 15 nghìn tỷ USD vào năm 2020, lên mức kỷ lục 277 nghìn tỷ USD, tương đương 365% GDP toàn cầu. Nợ từ tất cả các lĩnh vực, từ hộ gia đình đến trái phiếu chính phủ đến trái phiếu doanh nghiệp, đều tăng mạnh.

Báo cáo mới nhất của IMF mới đây dự báo tổng nợ công toàn cầu năm 2021 sẽ tương đương 99,5% GDP thế giới. Tổng nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2021 dự kiến lên tới 109%, trong khi nợ của các nền kinh tế phát triển dự kiến tăng lên gần 125% GDP. IMF cũng dự báo thâm hụt tài chính toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 8,5%, các nước G20 ở mức 9,4% và các nền kinh tế phát triển ở mức 8,8% .

Lo ngại về nợ công gia tăng, IMF mới đây kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho đến khi kiểm soát được đại dịch, trong đó đặc biệt chú trọng vào các khoản đầu tư vào các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh.

Phân tích mới nhất của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tác động của COVID-19 đối với thị trường lao động cho thấy đại dịch đã gây nên thiệt hại khổng lồ về thời gian làm việc và thu nhập. Nếu thiếu các chính sách phục hồi lấy con người làm trung tâm giúp sớm cải thiện tình hình, thì triển vọng phục hồi trong năm 2021 sẽ chậm, không đồng đều và không chắc chắn.

Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu sau đại dịch Covid-19 - ảnh 2IMF cảnh báo vaccine và liệu pháp điều trị có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế. Ảnh minh họa: Scitechdaily

Trước cú sốc mang tên Covid -19, năm 2020 đã ghi nhận lần đầu tiên hàng chục nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt rơi vào suy thoái như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Italy, Australia, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia… Trong đó, Mỹ và châu Âu là những tâm điểm chính của diễn biến dịch bệnh và cũng là những nơi thực trạng tăng trưởng kinh tế và thương mại tồi tệ nhất trong năm 2020.

Khả năng đổ vỡ tài chính do các biện pháp kích thích khổng lồ

Mặc dù đại dịch Covid-19 đang dần được khống chế bởi kế hoạch tiêm vaccine đang được triển khai trên phạm vi toàn cầu và các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm 2021, nhưng rủi ro tiềm ẩn vẫn rất lớn. IMF cảnh báo, vaccine và liệu pháp điều trị có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, nhưng cũng có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt nếu có sự gia tăng đáng kể các ca lây nhiễm mới. Ngoài ra, còn có nhiều rủi ro khác như căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại, thiên tai, những thay đổi về điều kiện tài chính…

IMF cũng cảnh báo sự phục hồi kinh tế sẽ không đồng đều giữa các quốc gia và đại dịch có khả năng dẫn đến những thay đổi lâu dài trong nền kinh tế thế giới.

Một điều hết sức lo ngại là để đối phó với tác động xấu do Covid -19, các nước đã đồng loạt tung ra các gói kích thích cùng nhiều biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế. Tổng trị giá các gói hỗ trợ của Mỹ hay Nhật Bản thậm chí lên tới 20% GDP. Khả năng đổ vỡ tài chính đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính do biện pháp kích thích khổng lồ là rất lớn, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng nguy cơ gián đoạn tài chính ngày càng gia tăng bắt nguồn từ việc định giá quá cao tài sản và mức nợ công gia tăng do các biện pháp kích thích chính sách tiền tệ và tài khóa. Điều này đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ.

Cho đến lúc này, mọi dự báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đều chỉ mang tính tương đối, tất cả còn phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch Covid-19 hiệu quả ra sao trên phạm vi toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác