Nhận diện cơ hội, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển

(VOV5) -Hiện, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị WEF-ASEAN diễn ra vào tháng 9 năm nay, tại Hà Nội.

Việt Nam đang bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới, theo đó công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa đã được xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia.

Để tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến hợp tác quốc tế, trong đó tham gia vào các thể chế hợp tác khu vực, liên khu vực mà Diễn đàn kinh tế thế giới WEF là một ví dụ. Hiện, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị WEF-ASEAN diễn ra vào tháng 9 năm nay, tại Hà Nội.

Nhận diện cơ hội, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển - ảnh 1Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Borge Brende. - Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến sự thay đổi lớn lao, không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện đối với tất cả các quốc gia. Với Việt Nam, cuộc cách mạng sản xuất mới có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đưa đến những thách thức đối với quá trình phát triển.

Cùng với các nước trong khu vực ASEAN, những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam được đánh giá là nhanh, bất chấp những cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cũng như các nước trong khu vực, Việt Nam cần xác định tầm nhìn mới cho quá trình hội nhập, tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số, tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực, phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động hàng ngày.

Nhận diện cơ hội, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển - ảnh 2Ông Doãn Mẫu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. - Ảnh: VOV)

Hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế tự cường trước tương lai

Trước những thách thức hiện hữu này, Diễn đàn kinh tế thế giới được xem là đối tác quan trọng để Việt Nam chia sẻ tầm nhìn, định hướng chính sách. Với tầm ảnh hưởng toàn cầu và lại là tổ chức phi chính trị, WEF có một mạng lưới các đối tác là hàng nghìn doanh nghiệp, tập đoàn, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác WEF-Việt Nam được hình thành từ năm 1989, nhưng phải đến mấy năm gần đây, quan hệ hợp tác này mới có nhiều tiến triển, đặc biệt kể từ sau khi hai bên ký Thỏa thuận hợp tác “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”. Theo đó, WEF cam kết hỗ trợ Việt Nam trên 6 lĩnh vực. Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Borge Brende hôm 27/6, phát biểu tại một cuộc họp ở Hà Nội, đã nói:

"Tôi cho rằng điều này dựa trên một phần nguyên nhân là các quốc gia và doanh nghiệp quốc tế ngày càng coi Việt Nam là một đối tác quan trọng. Việt Nam là một quốc đang phát triển đã tạo ra sự thu hút rất lớn. Mặc dù còn một số thách thức về kinh tế nhưng sự phục hồi của Việt Nam sau khủng hoảng tài chính rất đáng nể, mức tăng trưởng ấn tượng 7%/năm. Tuy nhiên, Việt Nam đã là quốc gia thu nhập trung bình và sẽ không nhận được vốn ODA trong thời gian sắp tới, Việt Nam cần thêm đối tác công tư và WEF là một tổ chức quốc tế đại diện cho điều này.

Hiện, Việt Nam là đối tác đầu tiên mà WEF muốn ký hợp tác công–tư (PPP). Mô hình này nếu thành công sẽ được nhân rộng trong ASEAN và dự kiến thỏa thuận hợp tác này sẽ được ký tại Hội nghị WEF-ASEAN ở Hà Nội vào tháng 9 năm nay.

Cơ hội cho Việt Nam tham gia xây dựng luật chơi toàn cầu

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế quốc tế, đây là mô hình hợp tác mới mà WEF dự định triển khai với các nước và Việt Nam đã được chọn là ứng viên đầu tiên để xây dựng một hình mẫu hợp tác mới. Thỏa thuận hợp tác công-tư giữa WEF và Việt Nam là cơ hội rất lớn để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của WEF, nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, mạnh mẽ và bền vững. Đặc biệt, với thỏa thuận này, lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực được WEF hỗ trợ tối đa, theo đó hàng ngàn lượt cán bộ có cơ hội nghiên cứu, thực tập, làm việc, tiếp cận và khai thác những nguồn lực mà WEF sở hữu để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế.

Về phía Việt Nam, ông Doãn Mẫu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết Việt Nam cũng đang tích cực triển khai vấn đề này: Kỷ nguyên số, tự động hóa, cách mạng 4.0 là chủ đề ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế. Việt Nam đã chuẩn bị, đào tạo những kỹ năng mới để người lao động có thể thích ứng được trong bối cảnh số hóa, khuyến khích người lao động học tập suốt đời, trang bị thêm các kỹ năng mới để thích nghi được với tác động của cách mạng 4.0. Cần phải thúc đẩy giáo dục đào tạo để trang bị kiến thức, các kỹ năng mới để tiếp cận những cơ hội mà cách mạng 4.0 đem lại."

Là đối tác đầu tiên mà WEF mong muốn triển khai mô hình hợp tác trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang nhanh chóng tận dụng sân chơi kinh tế lớn này để quảng bá hình ảnh, đóng góp và thể hiện trách nhiệm trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Hội nghị WEF-ASEAN diễn ra vào tháng 9 tới tại Hà Nội mà Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cũng nhằm đóng góp vào mục tiêu tham gia xây dựng nên luật chơi toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác