Nhiều dấu ấn trong hoạt động đối ngoại Quốc hội Việt Nam năm 2018

(VOV5) - Quốc hội Việt Nam đã tham gia rất tích cực trong các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế.

 Năm 2018 là năm sôi động và nhiều dấu ấn trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Quốc hội đã có một năm thành công trong việc thúc đẩy quan hệ nghị viện song phương và đa phương, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước giữ môi trường hòa bình, ổn định đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều dấu ấn trong hoạt động đối ngoại Quốc hội Việt Nam năm 2018  - ảnh 1

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh minh họa)

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội là một trong những kênh đối ngoại quan trọng trong tổng thể các hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt với tinh thần chủ động tích cực trong các hoạt động đối ngoại đa phương, Quốc hội Việt Nam đã tham gia rất tích cực trong các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế.

Khẳng định vị trí tại các diễn đàn đa phương

Năm 2018, Quốc hội Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của nhiều tổ chức Nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện ASEAN (IPA), Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (IPF), là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị viện các nước châu Á-Thái Bình Dương (APPF)… Trong năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự nhiều hoạt động của đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới tại Thụy Sỹ IPU 138; tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á Âu (MSEP) lần thứ 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ…..

Ngoài việc tích cực tham gia các diễn đàn này, Quốc hội Việt Nam cũng chủ động đăng cai các kỳ đại hội đồng của các diễn đàn nghị viện. Điển hình là tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Nghị viện Châu Á Thái Bình Dương 26 (APPF 26). Diễn đàn có số lượng đại biểu tham dự đông đảo nhất từ trước tới nay, với 356 đại biểu quốc tế, trong đó có nhiều Chủ tịch quốc hội và Phó chủ tịch Quốc hội các nước. Dưới sự điều hành của Quốc hội Việt Nam, APPF26 đã thông qua tuyên bố Hà Nội, về "Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: "Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã nhận định tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện, đề ra những nhiệm vụ mà APPF cần phải thực hiện, cũng như thúc đẩy APPF triển khai các hành động nhằm mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Trong giai đoạn tới, APPF phải tiếp tục đổi mới nội dung nghị sự, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thể chế đa phương, như: APEC và các cơ chế hợp tác khác".

Cũng trong năm 2018, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh nghị viện quốc tế và chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc UNDP tổ chức thành công Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 17-18/12/2018.

Nhiều dấu ấn trong hoạt động đối ngoại Quốc hội Việt Nam năm 2018  - ảnh 2

Quang cảnh Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững tại thành phố Đà Nẵng (Ảnh minh họa/TTXVN)

Đẩy mạnh quan hệ song phương

Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều thành công trong quan hệ nghị viện song phương. Quốc hội Việt Nam đón tiếp hơn 30 đoàn cấp cao nghị viện các nước đến thăm. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cử hơn 30 đoàn đi thăm và trao đổi kinh nghiệm với các nước. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá: "Đây là năm trao đổi cấp cao song phương phong phú. Các chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt chuyến thăm Hà Lan, Thổ nhĩ kỳ và Hàn Quốc mang lại kết quả rất thiết thực. Tại chuyến đi, hoạt động của Chủ tịch Quốc hội ngoài thúc đẩy quan hệ nghị viện 2 nước, Quốc hội 2 nước tăng cường để đồng hành với Chính phủ, đặc biệt là trong quá trình thực hiện hiệp định, thỏa thuận song phương".

Cùng với việc trao đổi kinh nghiệm ngoại giao nghị viện, năm 2018, nhiều thỏa thuận tăng cường hợp tác cũng được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam và một số nước, trong đó có thỏa thận với Duma Quốc gia Nga. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Hai bên đã ký thỏa thuận về việc thành lập ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam - Đuma quốc gia Nga. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thành lập cơ chế hợp tác liên nghị viện song phương với nghị viện của một quốc gia khác. Điều này thể hiện mức độ tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai bên và quyết tâm thực hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác nghị viện giữa hai nước".

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn. Thời cơ lớn nhất là vị thế của Việt Nam đã nâng tầm trên khu vực và quốc tế. Tuy nhiên thách thức bao trùm nhất là phải duy trì môi trường hòa bình để đất nước phát triển. Do đó, Quốc hội Việt Nam chú trọng củng cố quan hệ nghị viện với các nước láng giềng, các nước ASEAN, tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác